Nghệ An: nhận diện hành vi phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng

Phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng xã hội là một trong những chủ đề lớn được các cấp, ngành tại Nghệ An hết sức quan tâm, triển khai nhiều biện pháp. Cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội, không gian mạng trở thành kênh mà nhiều đối tượng lợi dụng...

Nhận diện các thủ đoạn xâm hại trẻ em trên không gian mạng

Trao đổi với phóng viên, Chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng – Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An (Sở GD&ĐT Nghệ An) Phạm Viết Tỏa cho biết, liên quan tới lĩnh vực phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng, thời gian qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có nhiều chỉ đạo, tuyên truyền xuống tận các trường học, địa phương.

Nhận diện các thủ đoạn tinh vi, việc tuyên truyền phòng chống các hành vi xâm hại trẻ em, học sinh trên không gian mạng trở thành cấp thiết.

Về cơ bản, qua các vụ việc xảy ra, có thể nhận diện một số thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng không gian mạng: Thủ đoạn phổ biến là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục.

Phòng chống xâm hại trẻ trên không gian mạng, nhận diện rõ thủ đoạn để phòng chống hiệu quả (ảnh minh họa trường học tại TP Vinh).

Phòng chống xâm hại trẻ trên không gian mạng, nhận diện rõ thủ đoạn để phòng chống hiệu quả (ảnh minh họa trường học tại TP Vinh).

Một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn cho tiền, quà để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng. Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường.

Các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của trẻ em, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống riêng tư của trẻ, dụ giỗ trẻ em lao động…

Một số trường, lớp xảy ra tình trạng học sinh chia rẽ bè phái, cô lập bạn bè, nhất là những bạn có thành tích nổi trội hoặc có năng khiếu, sở thích khác...Lập tài khoản Facebook giả để vu khống, nói xấu, cô lập bạn bè, đe dọa và đánh nhau hội đồng, dẫn đến tình trạng một số học sinh có tâm lý buồn, chán, không muốn đi học, sợ trường, lớp và đã có trường hợp học sinh bị trầm cảm, tự kỷ...

“Sau những vụ việc thời gian qua xẩy ra, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có những chỉ đạo rốt ráo về việc nhận diện các hành vi, nội dung bạo lực học đường, các hành vi xâm phạm, bạo lực tinh thần...trên không gian mạng để phối hợp với các cấp ngành, tuyên truyền mạnh mẽ đến từng gia đình, trường học, cơ sở giáo dục.”, ông Tỏa nêu.

Tăng cường phòng chống

Ông Phạm Viết Tỏa cho rằng, để ngăn chặn kịp thời các hành vi làm tổn thương tới trẻ em như đã nêu trên, cần tuyên tuyền, phát huy tư vấn tâm lý trong trường học. Phối hợp với gia đình, phụ huynh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, phối hợp với cơ quan chức năng. chính quyền địa phương trong việc phát hiện xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trên không gian mạng...

Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, Thủ trưởng các đơn vị có tên trên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung như tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.

Xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

Học sinh cần có những giáo dục trải nghiệm để thêm những hành trang trước những hệ lụy trái từ mạng xã hội (ảnh minh họa)

Học sinh cần có những giáo dục trải nghiệm để thêm những hành trang trước những hệ lụy trái từ mạng xã hội (ảnh minh họa)

Liên quan tới vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có chỉ đạo các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường vai trò trách nhiệm, tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, phòng chống có hiệu quả các hành vi xâm phạm trẻ em trên không gian mạng.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo lành mạnh trên môi trường mạng đến các trường học, lớp học, thôn, bản, tổ dân phố.

Giáo dục, vận động cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng trẻ trên môi trường mạng.

Đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng Internet và mạng xã hội.

Các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với 100% trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.

Hoàng Phạm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-nhan-dien-hanh-vi-phong-chong-xam-hai-tre-em-tren-khong-gian-mang.html
Zalo