Nghệ An đón 'lao động tha hương' về quê làm việc

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu tăng cường truyền thông, vận động, xúc tiến thu hút lao động đang làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước về làm việc tại Nghệ An.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2025 - 2030.

Nghệ An hiện có 15,5 nghìn doanh nghiệp với gần 350 nghìn lao động đang làm việc.

Nghệ An hiện có 15,5 nghìn doanh nghiệp với gần 350 nghìn lao động đang làm việc.

Theo thống kê, Nghệ An hiện có 1,6 triệu lao động. Hằng năm có thêm 50.000 người bổ sung vào lực lượng lao động. Toàn tỉnh hiện có hơn 15.500 doanh nghiệp với gần 350.000 lao động đang làm việc. Ngoài ra, có hơn 700 nghìn người lao động Nghệ An đang làm việc ngoài tỉnh và khoảng 80.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài.

Trong 3 năm liên tiếp vừa qua, Nghệ An là tỉnh duy nhất trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nằm trong tốp 10 cả nước về thu hút vốn FDI. Cụ thể, năm 2024, Nghệ An thu hút được hơn 1,7 tỷ USD vốn FDI. Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,686 tỷ USD.

Mặt bằng các khu công nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang dần được lấp đầy.

Mặt bằng các khu công nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang dần được lấp đầy.

Thực tế những năm qua các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang được nhiều doanh nghiệp FDI lớn đầu tư và đi vào hoạt động. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất lớn, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên lao động trong tỉnh chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng. Tình trạng thiếu lao động cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến thu hút đầu tư của tỉnh.

Có nhiều nguyên nhân khiến lao động tại Nghệ An rời quê hương đi các tỉnh thành khác làm việc. Trong đó phần lớn là do mức lương và nguồn thu nhập trong tỉnh còn thấp hơn các vùng kinh tế trọng điểm khác.

Để giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị 33 và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần truyền thông, vận động, xúc tiến thu hút lao động đang làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước (cả lao động người Nghệ An và lao động các tỉnh) về làm việc tại Nghệ An.

Hiện có hơn 700.000 lao động Nghệ An đang làm việc ngoại tỉnh.

Hiện có hơn 700.000 lao động Nghệ An đang làm việc ngoại tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu rà soát nắm bắt số lượng lao động trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn, lao động đi làm việc ngoài tỉnh để thực hiện thông tin, kết nối cung cầu lao động; thu hút lao động vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với quá trình thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu về điện tử, năng lượng xanh đã và đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh, lãnh đạo HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh trong quá trình thực hiện Chỉ thị. Thành lập Ban chỉ đạo kết nối cung - cầu lao động từ cấp tỉnh đến cấp xã để đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.

Ngọc Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghe-an-don-lao-dong-tha-huong-ve-que-lam-viec-post1710279.tpo
Zalo