Nghệ An điều chuyển vốn 14 dự án chậm giải ngân đầu tư công
Các dự án bị điều chuyển vốn có 13 dự án có tổng số vốn 217,54 tỷ đồng (dự án có nguồn đầu tư công tập trung) và 1 dự án với số vốn 3,135 tỷ đồng (có nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia).
Ngày 30/9, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết: Qua rà soát, tỉnh Nghệ An đã điều chuyển vốn của 14 dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công để bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Theo đó, các dự án bị điều chuyển vốn có 13 dự án có tổng số vốn 217,54 tỷ đồng (dự án có nguồn đầu tư công tập trung) và 1 dự án với số vốn 3,135 tỷ đồng (có nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia).
Cũng qua rà soát, tổng số vốn đã giải ngân đến ngày 20/9 của tỉnh Nghệ An là 5.022 tỷ đồng, đạt 54,14%; trong đó, có 24 đơn vị giải ngân đạt trên 60% như: Hoàng Mai (85,89%), Vinh (79,68%), Diễn Châu (79,59%); 5 đơn vị giải ngân dưới 10%, bao gồm: Trường Trung cấp nghề Kinh tế -Kỹ thuật Bắc Nghệ An (0,31%), Sở Thông tin và Truyền thông (2,14%), Trường Chính trị tỉnh Nghệ An (3,64%), Chi cục Phát triển nông thôn (5,85%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (11,84%).
Cũng theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng chậm lại (6 tháng đầu năm Nghệ An giải ngân đạt 36%, tương đương 6%/tháng, nhưng từ ngày 30/6/2024 đến 20/9/2024 giải ngân chỉ tăng 12,09%, tương đương 4,53%/tháng).
Theo đó, một số nguồn vốn giải ngân vẫn còn chậm như: ngân sách Trung ương - vốn trong nước (45,17%), chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (36,87%), chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (18,97%). Đặc biệt có 12 dự án có nguồn đầu tư công tập trung và 114 dự án có nguồn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân vốn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành các bước thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp... để triển khi thi công (16 dự án nguồn đầu tư công tập trung và 20 dự án nguồn chương trình mục tiêu quốc gia). Một số dự án chuyển tiếp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, đấu nối vào đường quốc lộ, chuyển mục đích sử dụng rừng… mất nhiều thời gian (16 dự án/số vốn 154,459 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, một số dự án ODA chưa được bố trí vốn nước ngoài nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đối ứng. Công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án tiếp tục khó khăn do người dân không đồng thuận; quy trình xây dựng các khu tái định cư kéo dài. Nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia có số vốn bố trí lớn, trong khi năng lực thực hiện dự án của các ban quản lý dự án còn hạn chế và triển khai trên địa bàn vùng miền núi khó nên tiến độ triển khai chậm. Một số chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thi công và thực hiện các thủ tục thanh toán.
Để khắc phục tình trạng trên, trong 3 tháng cuối năm UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thành, thị trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập.
Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng còn lại. Đối với các dự án chậm giải ngân, tỉnh cũng rà soát để thực hiện điều chuyển một phần hoặc toàn bộ kế hoạch giao vốn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.