Nghệ An: Đẩy mạnh phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết để nâng cao chất lượng dân số
Tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Tình trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay ở các huyện miền núi cao Nghệ An.
Hệ lụy khôn lường
"Em nhớ trường, nhớ bạn. Em muốn được về đi chơi, đi học như các bạn" – lời tâm sự của học sinh V.Y.X. (SN 2010, trú tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khiến nhiều người nghẹn đắng. Học sinh này vừa mới 13 tuổi nhưng tảo hôn theo chồng đến bản Buộc Mú (xã Na Ngoi) từ đầu tháng 3/2023.
Nhắc đến con gái, anh V.B.N. (SN 1989, trú ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn) nhớ lại, nghe tin tôi liền chạy về nhà và quyết báo lên công an bởi tôi hiểu rõ việc lấy vợ, lấy chồng sớm là khổ thế nào. "Tôi cũng lấy vợ từ lúc 16 tuổi. Rồi sinh liền một mạch 3 đứa con. Hai vợ chồng không nghề nghiệp, không có kiến thức về làm bố, làm mẹ khiến cuộc sống chật vật, khó khăn trăm đường", anh N. kể.
Thế nhưng, vợ của anh nhất quyết ngăn lại rồi nói: "Con mình nó thích người ta nó mới theo. Giờ mình đưa ra pháp luật lỡ con nghĩ dại thì mình hối hận cả đời". Nghe vợ nói, anh N. trầm giọng rồi lo lắng: "Lấy chồng rồi nó có tự lo cho cuộc sống được không, rồi chuyện con cái nữa…".
Nhắc đến vấn đề tảo hôn, bà Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Phòng truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An chia sẻ, việc các em học sinh kết hôn trước độ tuổi theo quy định kéo theo bao hệ lụy. Đó là việc cơ thể chưa phát triển toàn diện đối với cả nam nữ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Hơn nữa, khi người mẹ mang bầu thì thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng hoặc mẹ sinh non việc này ảnh hưởng rất lớn đến cả mẹ, con cũng như hạnh phúc gia đình.
Việc kết hôn sớm khi nghề nghiệp, thu nhập của vợ chồng chưa đảm bảo thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, nuôi dạy con sẽ bị ảnh hướng rất lớn, thiệt thòi cho trẻ nhỏ.
Chính vì lẽ đó, tảo hôn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống. Trước mắt, với những cặp tảo hôn được thống kê, Nghệ An đã có ít nhất một nửa trẻ (thuộc về số cặp tảo hôn) thất học; một nửa trẻ sơ sinh không đảm bảo sức khỏe được sinh ra và có chừng đó hộ gia đình mới thành lập rơi vào cảnh đói nghèo...
Bởi vậy, ngành dân số đang nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra.
Rõ nhất và hiệu quả nhất là những buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên ở trong nhà trường. Tại đây, các em học sinh được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi tâm sinh lý, cách để tránh bị lạm dụng tình dục, tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Đồng thời giúp các em chuẩn bị tâm thế tốt về vấn đề sức khỏe sinh sản khi còn trên ghế nhà trường.
Tăng cường các kỹ năng cho học sinh
Ông Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An nhấn mạnh, tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho đối tượng học sinh là một nhiệm vụ được ngành dân số Nghệ An rất quan tâm. Vì lẽ đó, từ nhiều năm nay, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức hàng trăm cuộc cuộc ngoại khóa ở các trường học về vấn nạn tảo hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường cho VTN/TN trong các trường THPT, THCS.
Bởi, học sinh đến trường ngoài học các kiến thức trong sách vở, thì các em cần phải được trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác, trong đó có kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Đây là lứa tuổi mà các em thay đổi về thể chất, về tâm, sinh lý và nếu không giúp học sinh hiểu và nhận thức đúng những thay đổi này thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các em, cả về tâm lý và sinh lý.
Bà Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm, quan niệm của giới trẻ hiện nay khác khá nhiều so với thế hệ trẻ, thanh niên trước đây. Ngày trước, mọi người thường sống chậm, không bộc lộ tình cảm, tình yêu với các bạn khác giới một cách rõ ràng. Tuy nhiên, thế hệ trẻ bây giờ quan niệm về tình yêu và cả tình dục một cách cởi mở, hiện đại và thoáng hơn. Vì vậy, có nguy cơ để lại nhiều hậu quả. Thực tế cũng cho thấy, dù các em có cách sống hiện đại hơn nhưng các em lại rất chủ quan. Nhiều em không chia sẻ với bố mẹ và ngại nói chuyện với thầy, cô.
Chính vì thế, để bắt kịp với nhịp độ sống của thế hệ trẻ hiện nay, chúng ta không nên né tránh mà cần phải nói kỹ, nói sâu, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các ban, ngành, đoàn thể để cùng vào cuộc tuyên truyền, nhằm nâng cao sự hiểu biết cho các em.
Bên cạnh đó, cần phải trang bị cho các em kỹ năng về tình dục an toàn và mang thai ngoài ý muốn…các nhà trường cần thành lập các câu lạc bộ, có các hoạt động ngoài giờ lên lớp để thẳng thắn đề cập về vấn đề này, nhằm giúp các em nâng cao hiểu biết và kỹ năng sống.
Ngoài ra, ngành dân số đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn.