Ngày xuân bàn chuyện phát triển văn hóa và cộng đồng

Hiếm khi nào vấn đề văn hóa quốc gia lại trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi như hiện nay, đặc biệt sau phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Văn hóa còn thì dân tộc còn'. Thực tế cho thấy, so với sự thay đổi mạnh mẽ của đất nước, văn hóa dường như phát triển chưa thực sự tương xứng với yêu cầu của thời đại. Cũng vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thu hút sự quan tâm đặc biệt từ mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Tại kỳ họp thứ 8, cuối tháng 11-2024, Quốc hội đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 với tổng vốn tối thiểu 122.250 tỉ đồng. Nếu tính cả giai đoạn đến năm 2035 theo tờ trình của Chính phủ, tổng vốn là 256.000 tỉ đồng. Đây là một con số không nhỏ khiến không chỉ các đại biểu Quốc hội mà cả người dân cũng băn khoăn. Mối quan tâm chính không nằm ở mức đầu tư lớn hay nhỏ mà là cách sử dụng nguồn vốn này sao cho hiệu quả.

Đầu tư chủ yếu vẫn cho lĩnh vực văn hóa công

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là tài chính công nên phần lớn sẽ tập trung vào việc phát triển các lĩnh vực văn hóa công. Bộ cũng cam kết dành một phần ngân sách lớn cho công tác bảo tồn di sản. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích cấp quốc gia sẽ được tu bổ, tôn tạo. Đến năm 2035, toàn bộ 100% di tích quốc gia đặc biệt (127 di tích) và 80% di tích quốc gia (2.542 di tích) sẽ được bảo tồn và phục hồi.

. Ảnh: N.K

. Ảnh: N.K

Ngoài ra, ngân sách cũng sẽ được phân bổ cho việc xây dựng lực lượng văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, tập trung vào công tác đào tạo nhân lực văn hóa tại các trường đại học và cao đẳng. Đặc biệt, nguồn ngân sách tập trung đầu tư vào phát triển các thiết chế văn hóa công lập. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại ưu tiên dành nguồn lực lớn như vậy cho các thiết chế văn hóa cơ sở?

Thiết chế văn hóa hiện nay là một hệ thống gồm các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, bảo tàng, thư viện, sân bãi thể thao và các đoàn nghệ thuật trải dài từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp phường, xã. Toàn bộ hệ thống này thuộc sở hữu công lập, được Nhà nước bao cấp toàn diện, từ chi phí cơ sở vật chất (phòng ốc, xe cộ, nhạc cụ, máy móc) đến lương, phụ cấp và các chi phí hoạt động thường xuyên như điện, nước và hành chính.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau hơn 50 năm triển khai, mô hình này ngày càng lạc hậu và kém hiệu quả. Tại TPHCM, ngoại trừ một số trung tâm lớn như Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ, hay trung tâm văn hóa ở các quận nội thành còn hoạt động, thì hầu hết các thiết chế văn hóa khác đang rơi vào tình trạng suy thoái. Đối tượng tham gia thường rất hạn chế, chủ yếu là một nhóm người quen thuộc. Các thiết chế văn hóa cấp phường, xã, huyện thì gần như tê liệt. Điển hình là mô hình hàng trăm ngàn phòng đọc sách kết hợp bưu điện trên toàn quốc đã phải ngừng hoạt động chỉ sau năm năm, hoặc các nhà văn hóa xã thường bị biến thành nơi cho thuê mặt bằng bán hàng hay làm nhà kho.

Năm 2030, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích cấp quốc gia sẽ được tu bổ, tôn tạo. Trong ảnh: Du khách tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ảnh: N.K

Năm 2030, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích cấp quốc gia sẽ được tu bổ, tôn tạo. Trong ảnh: Du khách tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ảnh: N.K

Điều đáng chú ý là mô hình này bắt nguồn từ Liên Xô vào những năm 1950, sau đó được áp dụng tại Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Tuy nhiên, từ sau năm 1990, mô hình đã không còn tồn tại ở hầu hết các nước.

Do đó, nếu Nhà nước vẫn xác định các thiết chế văn hóa công lập là trụ cột của văn hóa quốc gia, cần phải thay thế hoặc bổ sung bằng những loại hình mới, phù hợp hơn với nhu cầu và thực tế xã hội hiện nay. Điều này không chỉ là vấn đề bảo tồn văn hóa mà còn liên quan đến việc sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả và bền vững.

Văn hóa đi sâu trong cộng đồng

Trong những năm gần đây, các cá nhân và nhóm tự nguyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa quốc gia. Bức tranh văn hóa - đặc biệt trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và bảo tồn - sẽ “sáng lên” nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa những nỗ lực này vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đồng thời cung cấp nguồn tài chính từ chương trình cho họ.

Có thể kể đến hàng trăm hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa như vậy, chẳng hạn như nhóm Đại Việt Cổ Phong, thành lập vào năm 2014, được xem là một trong những nhóm đầu tiên nghiên cứu và tái hiện cổ phục Việt Nam. Nhóm bao gồm những bạn trẻ đam mê khám phá văn hóa cổ, với mong muốn tái hiện chính xác các giá trị văn vật xưa qua tranh vẽ, mô hình, phim ảnh... giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về thẩm mỹ của người Việt cổ.

Câu lạc bộ Đình làng Việt, cũng thành lập năm 2014, hiện có hơn 19.000 thành viên, bao gồm cả những người đang sinh sống ở nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Đức... Họ đã miệt mài khám phá các đình, chùa, miếu mạo nổi tiếng của Hà Nội để chụp ảnh, scan công trình, chuyển đổi sang mô hình 3D, từ đó giới thiệu các di sản này đến bạn bè quốc tế. Công việc này đòi hỏi hàng năm trời kiên trì, có những nhóm còn đi khắp đồng bằng sông Hồng, trung du Bắc bộ, Tây Bắc và Đông Bắc để thu thập và ghi chép các làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ thất truyền. Một số người còn tìm kiếm, sưu tầm các loại nhạc cụ truyền thống như đàn môi của các dân tộc Việt Nam.

Hay nhóm Ỷ Vân Hiên do Nguyễn Đức Lộc sáng lập đã dành hàng tháng trời làm việc với các nghệ nhân từ Bắc vào Nam để phục dựng các bộ trang phục cổ như triều Nguyễn, triều Trần... Nguyên liệu được lấy từ các làng nghề truyền thống như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Tân Châu... với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh. Thay vào đó, các sản phẩm này được đưa đến công chúng qua các sân khấu, MV (Music Video), hoặc bộ ảnh của giới trẻ.

Họ làm những việc này không vì lợi nhuận mà xuất phát từ niềm đam mê, tình yêu văn hóa, và mong muốn bảo tồn di sản cha ông. Chính họ là những người giữ gìn và làm sống lại hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc, giúp lan tỏa tới hàng triệu người trong và ngoài nước. Một bộ sưu tập các dụng cụ đời sống của các dân tộc Tây Nguyên được trưng bày tại ngôi nhà 5 tầng ở ngoại ô Đà Lạt đã khiến các nhà khoa học Nhật Bản mê mẩn suốt nửa ngày. Hơn 10 năm nay, nhiều nhóm tự nguyện khác nhau đã giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua trang phục và trang sức cổ xưa tại 18 quốc gia...

Dù trong quá trình hoạt động có thể chưa hoàn toàn tuân theo các tiêu chuẩn chính thức, nhưng những giá trị văn hóa mà họ mang lại vô cùng bổ ích và lý thú, điều mà các thiết chế văn hóa nhà nước khó có thể thực hiện. Nếu có được nguồn tài chính đủ mạnh, kết quả chắc chắn sẽ tốt hơn và hiệu ứng lan tỏa sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi với một lãnh đạo cao cấp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tại sao không hỗ trợ pháp lý và tài chính để họ phát triển tốt hơn, câu trả lời là khó khăn trong việc cấp chứng từ, hóa đơn đỏ để thanh quyết toán, cũng như lo ngại về thất thoát ngân sách.

Nhà nước cần đổi vai trong công cuộc phát triển văn hóa

Hãy nhìn sang các quốc gia khác để thấy cách họ phát triển văn hóa quốc gia như thế nào. Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc hay các khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đều có một điểm chung: họ coi trọng vai trò của cộng đồng trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa. Những lực lượng này được tổ chức dưới dạng tổ chức xã hội, bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, các hội đoàn.

Chính phủ, hay các đảng cầm quyền giữ vai trò là người kiến tạo, với nhiệm vụ định hướng phát triển, xây dựng chính sách, và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết như tài chính, kỹ thuật, nhân lực và pháp lý. Đồng thời, họ đảm bảo giám sát để các hoạt động văn hóa không đi chệch khỏi hành lang pháp luật và các chuẩn mực đạo đức.

Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc hay các khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đều có một điểm chung: họ coi trọng vai trò của cộng đồng trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa. Những lực lượng này được tổ chức dưới dạng tổ chức xã hội, bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, các hội đoàn.

Nhà nước không nên ôm đồm mà cần hoạt động tinh gọn, hiệu quả, tập trung vào vai trò điều phối và hỗ trợ. Tinh thần này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiều lần kể từ khi nhậm chức.

Điều quan trọng là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thực sự mong muốn đưa các hoạt động văn hóa tư nhân và hội đoàn mang ý nghĩa phát triển vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 hay không. Vấn đề cách thức thanh toán và kiểm soát tài chính chỉ là khía cạnh kỹ thuật và hoàn toàn có thể giải quyết nếu có quyết tâm.

Hãy nhìn vào Hàn Quốc, nơi mà việc gìn giữ và phát triển món kim chi - biểu tượng văn hóa quốc gia - không phải do nhà nước trực tiếp thực hiện, mà là bởi một tổ chức nhân dân mang tên “Kim chi Quốc bảo”. Tuy nhiên, tổ chức này nhận được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ từ chính phủ, thể hiện vai trò kiến tạo và đồng hành hiệu quả của nhà nước trong việc phát triển các giá trị văn hóa.

TS. Nguyễn Minh Hòa

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ngay-xuan-ban-chuyen-phat-trien-van-hoa-va-cong-dong/
Zalo