Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2024): Nỗ lực đổi mới, sáng tạo

Tiếp bước truyền thống 79 năm hình thành và phát triển (28/8/1945 - 28/8/2024) của ngành Tư pháp Việt Nam, ngành Tư pháp tỉnh Tuyên Quang những năm qua đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực đổi mới, sáng tạo để phát triển, gặt hái được không ít những thành tích đáng tự hào.

Những thành tích đáng tự hào

Những năm qua, kết quả công tác tư pháp trên hầu khắp các lĩnh vực đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, hiệu quả. Trong đó, 100% văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thẩm định đảm bảo tiến độ, chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản trước khi trình HĐND, UBND các cấp ban hành. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận, giải quyết trước và đúng hạn 17.351/17.354 hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, đạt 99,98%; duy trì thực hiện cắt giảm tối thiểu 33,3 - 83,3% thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Tỷ lệ hòa giải của tỉnh được duy trì đạt 84%, được Bộ Tư pháp đánh giá nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Ba năm liên tục (2020 - 2022), Sở Tư pháp Tuyên Quang được Bộ Tư pháp đánh giá, xếp hạng A (Xuất sắc), trong đó có 2 năm (năm 2021, 2022) Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp tặng “Cờ thi đua ngành Tư pháp”…

Các đại biểu dự Hội nghị thực trạng tổ chức hoạt động của Sở Tư pháp và giải pháp tăng cường vai trò của Sở Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Các đại biểu dự Hội nghị thực trạng tổ chức hoạt động của Sở Tư pháp và giải pháp tăng cường vai trò của Sở Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp. Toàn ngành Tư pháp tỉnh đã chủ động, bám sát các nhiệm vụ chính trị của ngành, của tỉnh, chương trình, kế hoạch công tác tư pháp hàng năm mà Bộ Tư pháp đã đề ra, chương trình công tác tư pháp được UBND các cấp phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đáng kể nhất, Sở Tư pháp đã tham mưu với chính quyền tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng được nâng cao. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, tham gia ý kiến các dự thảo VBQPPL và thực hiện nền nếp công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Các hoạt động quản lý Nhà nước về công tác tư pháp tiếp tục được tăng cường và đổi mới. Trong đó, đã triển khai Quy định về chính sách hỗ trợ pháp lý và mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; ban hành và tổ chức thực hiện tốt Đề án “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”, Đề án “tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh”...

Liên tục dẫn đầu về chuyển đổi số

Trong 10 năm liên tục (2014 - 2023), Sở Tư pháp nằm trong top 3 đơn vị được UBND tỉnh xếp hạng dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), trong đó có 9 năm liên tục dẫn đầu về Chỉ số CCHC của các Sở, ngành cấp tỉnh; Chỉ số DCI (cảm nhận sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh) năm 2023 đứng thứ nhất khối cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và là năm thứ 8 được xếp top đầu, năm thứ 5 đứng thứ nhất; chỉ số chuyển đổi số năm 2023 xếp hạng thứ nhất, là năm thứ 2 liên tục dẫn đầu chỉ số chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm để đạt được kết quả trên, Giám đốc Nguyễn Thị Thược cho biết, mặc dù ban đầu quá trình chuyển đổi số có nhiều khó khăn nhưng với sự quyết liệt, quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo nên việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại Sở đã được đẩy mạnh thực hiện. Ngay từ năm 2013, Sở Tư pháp là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả việc ứng dụng Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành công việc trong triển khai tiếp nhận, xử lý, giải quyết văn bản hoàn toàn bằng hình thức điện tử thay thế cho bản giấy, giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tối đa kinh phí văn phòng phẩm. Năm 2016, Sở triển khai Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch 3 cấp, hệ thống Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực tỉnh.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, kỹ năng số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Từ năm 2020 đến nay, Sở đã ban hành 17 Kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sở chủ trì, phối hợp rà soát 1.072 lượt văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành, đồng thời nghiên cứu, tham gia ý kiến 26 dự thảo văn bản về chuyển đổi số, triển khai Đề án 06. Sở duy trì cung cấp 1 dịch vụ công thiết yếu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo Đề án số 06, trong đó số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt trên 96%, giải quyết trước và đúng hạn 99,97%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đạt 68,7%. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 2 kế hoạch thực hiện số hóa sổ hộ tịch, ban hành 2 kế hoạch thực hiện. Đến nay, đã hoàn thành số hóa 778.740 việc hộ tịch, đạt 100%, sớm hơn 8 tháng so với quy định của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh…

Với sự đoàn kết, nỗ lực, những kết quả mà ngành Tư pháp Tuyên Quang đạt được đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sự lớn mạnh và thành tích chung đáng tự hào của ngành Tư pháp Việt Nam.

Bài, ảnh: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ngay-truyen-thong-nganh-tu-phap-28-8-1945-28-8-2024-no-luc-doi-moi-sang-tao-197411.html
Zalo