Ngày thơ Việt Nam vắng âm sắc mới
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) có sắc màu ấn tượng.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) có sắc màu ấn tượng, nhất là những tạo hình theo họa tiết trang phục của các dân tộc Việt Nam. Song, bởi trời đất không chiều lòng người khi đổ mưa rét kéo dài, khiến không ít khách thơ ngại tới.
Dù bắt đầu hoạt động từ chiều hôm trước song ngay ngày chính hội – Rằm tháng Giêng - gần như cả buổi sáng các quán thơ vẫn lặng vắng. Phải sang buổi chiều khi quán thơ trẻ có một số hoạt động giao lưu thì mới lác đác khách thơ ghé tới.
Nhà ký ức được dựng giống như nhà rông Tây Nguyên và trưng bày tác phẩm, hiện vật của các nhà thơ người dân tộc thiểu số đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật có phần nhộn nhịp hơn nhưng cũng còn nhiều khoảng trống. Nhất là, đêm thơ Nguyên tiêu được sân khấu hóa khá lộng lẫy, huyền ảo nhưng mưa buốt và gió lạnh vẫn không ngừng nên cũng khó lòng mời gọi được đông đảo khách thơ...
Dẫu vậy, “Bản hòa âm đất nước” tôn vinh những di sản quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam vẫn được cất lên từ đường thơ đến nhà ký ức và đêm thơ Nguyên tiêu để khẳng định: “Thơ ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam; mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến mọi số phận ở mọi miền đất nước của xứ sở yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này”, như lời khai mạc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Vì thế, dù phải che ô dưới mưa lạnh, song các tấm lòng nhiệt thành với thi ca vẫn thấy hân hoan, ấm lòng khi được thưởng thức những tiếng thơ khi trầm hùng, mạnh mẽ; lúc ngọt ngào, sâu lắng; khi tươi vui, hào sảng…
Những trường ca, thi phẩm đã đi vào đời sống hay trang sách nhà trường như: “Tiễn dặn người yêu”, “Đẻ đất, đẻ nước”, “Người Tân Trào”, “Chiều biên giới”, “Bóng cây Kơ Nia”… thêm một lần được thắp sáng giữa Hoàng thành Thăng Long.
Điều đó cũng cho thấy, bên cạnh sự vắng vẻ khách thơ thì dường như trong bản hòa âm này còn thiếu vắng phần nào âm sắc mới từ tiếng thơ mới của những gương mặt mới.
Trước đó, Hội Nhà văn Hà Nội lần đầu tổ chức Ngày thơ Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Được gọi là thành công vì khách thơ có phần đông hơn trong không gian nhỏ, song nếu muốn kiếm tìm âm sắc mới trong ngày hội đầu tiên này cũng thật khó.
Vẫn là những thi phẩm quen thuộc được ngâm và hát như: “Mưa xuân”, “Tây Hồ hoài cổ”, “Tiễn xuân”, “Đầu xuân uống trà cùng bạn”, “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Đảo Sơn Ca”, “Mùa Xuân nho nhỏ”…
Mùa Xuân là khởi nguồn cho những ước mơ, hy vọng từ bao điều mới. Bởi vậy, mong rằng, thành công từ mỗi Ngày thơ Nguyên tiêu không chỉ là nỗ lực tổ chức trang trọng, bề thế để tôn vinh thành tựu, mà còn cần vút cao những giọng thơ mang âm sắc mới của cuộc sống hôm nay và cho mai sau!