'Ngày Nam Bộ kháng chiến'- trang sử hào hùng của dân tộc

79 năm đã trôi qua, nhưng khi nghe giai điệu bài hát Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn vang lên, không khí của những ngày Nam Bộ kháng chiến hào hùng vẫn còn vang vọng mãi.

Nhân dân Nam bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Nhân dân Nam bộ nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Giành độc lập dân tộc đất nước chỉ 21 ngày, được sự dung túng và tạo điều kiện của quân Anh (đồng minh), ngày 23/9/1945, thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa, quân và dân Nam Bộ trực diện chiến đấu với kẻ thù. Hơn 1 năm sau đó (ngày 19/12/1946), dân tộc Việt Nam lại thực hiện “Ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp” để bảo vệ nền độc lập.

Quay lại dòng lịch sử dân tộc, trước sự ủng hộ của quân Anh, thực dân Pháp treo cờ trước dinh toàn quyền cũ, xé những thông cáo và bố cáo của UBND Nam Bộ. Chúng phá hoại, bắt bớ, đánh đập người dân trên các tuyến đường phố. Đêm 22, sáng 23/9/1945, sau nhiều ngày khiêu khích, quân Pháp nổ súng vào trụ sở UBND Nam Bộ, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc, Nhà dây thép, Nhà đèn, Kho bạc, Đài Phát thanh... Không dừng lại, thực dân Pháp đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng, giành quyền kiểm soát TP. Sài Gòn, quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa.

Nhưng nơi nào giặc Pháp nổ súng đánh chiếm đều bị quân dân ta đứng lên chống trả quyết liệt với vũ khí có sẵn trong tay. Trong thành phố và vùng giáp ranh, quân dân ta bố trí chướng ngại vật, tổ chức vây hãm, kiềm chế quân giặc Pháp. Dù chỉ bằng vũ khí thô sơ, chủ yếu là tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc, quân dân Nam Bộ thực hiện “trong đánh ngoài vây”, khiến cho lực lượng viễn chinh nhà nghề bị giam chân hơn 1 tháng trong thành phố, tác động mạnh mẽ đến ý chí xâm lược của kẻ thù và góp phần làm chậm bước tiến của chúng. Trước tình thế “sơn hà nguy biến”, Nhân dân Nam Bộ quyết “nhất tề” đứng lên đánh giặc với tinh thần “đập tan bọn cướp nước”.

Rạng sáng 23/9/1945, Xứ ủy và UBND Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch lấy ý kiến về “phát động cuộc kháng chiến”. Sau khi phân tích, đánh giá, hội nghị quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Hội nghị quyết định đồng thời với việc gửi điện báo gấp ra Trung ương và Hồ Chủ tịch xin chỉ thị phát động Nhân dân kháng chiến và trên thực tế đã tổ chức cuộc chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây giặc trong thành phố, tiêu diệt sinh lực giặc, tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng sơ tán về vùng nông thôn, nơi an toàn.

Ngay trong ngày 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu gửi Lời kêu gọi kháng chiến. “Đồng bào Nam Bộ! Nhân dân TP. Sài Gòn! Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm TP. Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Tất cả đồng bào, già trẻ, trai gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược! Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước”.

Chiều 23/9/1945, các công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy, chướng ngại vật mọc lên rộng khắp. Đặc biệt, nhiều nơi đình công, không hợp tác với thực dân Pháp, nhiều đơn vị vũ trang hình thành. Theo 1 bài viết của PGS.TS - NGƯT Ngô Minh Oanh, trong thành phố, có 6.500 chiến sĩ đã bám trụ tại các vị trí chiến đấu chống lại thực dân Pháp. Các đơn vị xung phong, công đoàn và thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu đánh trả quân giặc Pháp. Đông đảo quần chúng Nhân dân TP. Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần “độc lập hay là chết”, quyết tâm thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Ngày 26/9/1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định, quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước ta. “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm... Tôi chắc đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho Nhân dân Pháp biết rằng chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do chứ không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước...”. Ngay ngày hôm đó, Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến, Quỹ Nam Bộ kháng chiến cũng ra đời, quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo thóc, thuốc men, động viên, cổ vũ mạnh mẽ đồng bào Nam Bộ kháng chiến và gửi niềm tin chiến thắng.

Cuối tháng 9/1945, thực dân Pháp bị lâm vào thế chân tường, chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh bị thất bại, phải hợp tác và chờ viện binh. Đến tháng 10/1945, cuộc kháng chiến đã lan rộng khắp vùng đồng bằng Nam Bộ và mở ra đến các tỉnh Nam Trung Bộ. Nhưng đâu đâu, quân giặc Pháp đều vấp phải sức kháng cự quyết liệt của quân và Nhân dân ta. Để ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam Bộ, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Đúng như danh hiệu Bác Hồ đã trao tặng, tinh thần chiến đấu quật cường của Nhân dân Nam bộ đã để lại những bài học quý báu về ý chí “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ”. Quân dân Nam Bộ đánh giặc và thắng giặc không chỉ bằng khí phách dũng cảm, anh hùng mà bằng cả bản lĩnh, trí tuệ của truyền thống ngàn năm ông cha ta để lại. Và tinh thần bất khuất, kiên trung của “Ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945” mãi còn nguyên giá trị, là một minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh, khí phách của Nhân dân Nam Bộ.

NGUYÊN HẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-ngay-nam-bo-khang-chien-trang-su-hao-hung-cua-dan-toc-a405863.html
Zalo