Ngày hội của tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam
'Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc' diễn ra hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11). Từ lâu, 'Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc' ở khu dân cư đã trở thành nét đẹp văn hóa, là dịp để mỗi người dân phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết và yêu nước, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát huy sức mạnh toàn dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhờ sức mạnh đại đoàn kết mà cách mệnh thành công, nhờ sức mạnh đại đoàn kết mà kháng chiến sẽ thắng lợi. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng”. Người căn dặn: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
Kế thừa và phát triển quan điểm, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, thống nhất và đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo nên một mặt trận đoàn kết rộng lớn với sự tham gia của các tầng lớp và các tôn giáo khác nhau trong xã hội. Điều này đã tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của đất nước. MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ cùng tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam đã động viên nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, khuyến khích làm giàu chính đáng, qua đó đã có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, các hình thức giúp dân trong xóa đói giảm nghèo...
Cũng nhờ quán triệt, thực hiện quan điểm đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường, tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, thành phần dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Cầu nối giữa Đảng và nhân dân
Những ngày này, trên khắp mọi miền của cả nước, từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ những đô thị sầm uất cho đến những vùng biên giới xa xôi đều sôi nổi tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).
Chúng tôi có mặt tại Quảng Ninh vào đúng dịp tất cả các khu dân cư tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đồng loạt tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là năm thứ 3 ngày hội được tổ chức đồng loạt tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Năm nay, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở Quảng Ninh có chủ đề “Ngày hội đoàn kết - Thắm tình quân dân” với 2 phần lễ và hội. Phần lễ tổ chức không quá 90 phút với các nội dung: Ôn lại lịch sử, truyền thống của MTTQ Việt Nam, QĐND Việt Nam; báo cáo kết quả 1 năm thực hiện các phong trào, cuộc vận động; biểu dương các gia đình, cá nhân tiêu biểu... Phần hội gồm các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với địa phương tạo khí thế vui tươi, sôi nổi, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc.
Trong không khí vui tươi, náo nức của ngày hội, anh Hoàng Văn Khiên, thôn Lục Chắn, xã vùng cao biên giới Hải Sơn, thành phố Móng Cái cho biết: "Trong những năm qua, bà con các khu dân cư, bản làng trên địa bàn biên giới đã phát huy truyền thống văn hóa, tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, tham gia xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh; tăng cường dân chủ trong tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền cơ sở; xây dựng địa bàn ổn định về an ninh, trật tự; tích cực đấu tranh phòng ngừa với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; cảnh giác với các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tại địa phương, bà con đều hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền và MTTQ Việt Nam phát động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Phát huy tinh thần đoàn kết tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn, chung tay xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Qua đó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh"...
Năm 2024 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư gắn với “Ngày hội văn hóa quân - dân”. Đây là hoạt động nhằm tiếp tục củng cố tình đoàn kết, sự gắn bó máu thịt quân - dân, là nền tảng rất quan trọng trong xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc nơi vùng đất biên giới Đông Bắc của Tổ quốc.