Ngày đầu TPHCM vận hành chính quyền 2 cấp: Nhân dân phấn khởi vì nhanh, tiện và tiết kiệm
Tại các xã, phường mới của TPHCM sau sáp nhập, không khí làm việc luôn được đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nêu cao với tinh thần: Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp làm thước đo phục vụ. Chưa bao giờ, Nhân dân TPHCM lại cảm thấy việc đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) công lại nhanh, tiện và tiết kiệm như bây giờ.
Giải quyết nhanh, gọn nhu cầu của người dân
Sáng 01/7, tại trụ sở UBND P.Bình Tân (đơn vị hành chính mới thành lập từ việc sáp nhập toàn bộ P.Bình Hưng Hòa B, một phần P.Bình Trị Đông A và P.Tân Tạo của Q.Bình Tân cũ), không khí làm việc diễn ra nghiêm túc, khẩn trương ngay từ đầu giờ. Trụ sở mới được đầu tư chỉnh trang, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Khu vực Trung tâm phục vụ hành chính công được bố trí khoa học, hiện đại với hệ thống lấy số thứ tự tự động, các quầy giao dịch phân chia rõ ràng theo từng nhóm dịch vụ như: hộ tịch, hộ khẩu, xây dựng, kinh doanh... giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục.
Ngay từ 7 giờ 30 phút, nhiều người dân đã đến làm việc. Bà Huỳnh Thị Hạnh (74 tuổi), ngụ tại địa phương, cho biết bà khá lo lắng vì đây là ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. "Tôi sợ phải đi lại nhiều lần. Nhưng không ngờ chưa tới 10 phút là xong hết. Cán bộ hướng dẫn tận tình, rõ ràng", bà chia sẻ. Tương tự, chị Phan Thị Thanh Bình đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh cũng hoàn tất chỉ sau 15 phút. Chị đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thái độ niềm nở của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Nhiều người dân khác cũng bất ngờ khi nền tảng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã được triển khai đồng bộ, cho phép nộp hồ sơ, theo dõi tiến độ và nhận kết quả ngay trên mạng, tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức.

Đến gần 12 giờ cùng ngày, không khí làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công P.Hạnh Thông vẫn hết sức sôi nổi, khẩn trương
Theo ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND P.Bình Tân, sau sáp nhập, địa phương có diện tích 11,253km², dân số khoảng 161.851 người, gồm 59 khu phố. "Việc kiện toàn tổ chức, nâng cấp cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm phục vụ người dân hiệu quả ngay từ những ngày đầu vận hành", ông Sử cho biết.
Lấy sự hài lòng làm thước đo chất lượng
Tại P.An Nhơn (được sáp nhập từ P5 và P6 của Q.Gò Vấp cũ), hơn 100 lượt người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã đến thực hiện các TTHC trong ngày đầu tiên vận hành mô hình mới. Không khí làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công P.An Nhơn diễn ra khẩn trương, trật tự và hiệu quả. Các cán bộ, công chức làm việc trong tâm thế sẵn sàng, thân thiện. Khẩu hiệu "Sự hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp là hiệu quả thước đo phục vụ” được đặt ngay tại sảnh, tạo dấu ấn tích cực với người dân khi đến trụ sở.
Tại trung tâm, đội ngũ cán bộ tiếp công dân được bố trí ngay cửa ra vào để hướng dẫn người dân lấy số thứ tự, chọn đúng quầy chuyên trách. Không gian làm việc được thiết kế thông thoáng, sạch sẽ, có cây xanh, ghế ngồi chờ tiện nghi. Đặc biệt, màn hình đánh giá chất lượng phục vụ được bố trí ngay lối vào, giúp người dân dễ dàng phản hồi và giám sát chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo đại diện Trung tâm phục vụ hành chính công P.An Nhơn, dù lượng người đến giao dịch tăng cao trong buổi sáng đầu tiên, nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đội ngũ gần 20 cán bộ chuyên trách đã bảo đảm giải quyết nhanh gọn, không để xảy ra ùn ứ.

Thái độ của bộ phận tiếp dân, xử lý hồ sơ được lãnh đạo P.Gò Vấp đặc biệt chú trọng
Đáng chú ý, từ ngày 01/7, tại các trung tâm hành chính công cấp phường trên địa bàn TPHCM đều bố trí thêm các quầy dịch vụ chuyển trả kết quả qua bưu chính công ích và hỗ trợ các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Người dân có thể nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công Quốc gia và nhận kết quả tại nhà. Các thủ tục như đăng ký tài khoản VssID, mua BHYT, đóng BHXH tự nguyện... cũng được giải quyết ngay tại phường, thay vì phải đến cơ quan BHXH như trước. Tại P.Gò Vấp (sáp nhập từ P10 và P17 của Q.Gò Vấp cũ), không khí làm việc cũng sôi nổi không kém. Trung tâm phục vụ hành chính công của phường này ghi nhận lượng lớn người dân đến liên hệ trong sáng đầu tiên. Bà Nguyễn Thị Bé Ba (ngụ tại địa phương) cho biết: "Tất cả các thủ tục đều được giải quyết tại Bộ phận một cửa, nhanh gọn, không phải đi lại nhiều nơi như trước".
Để đáp ứng nhu cầu cao, các quầy tiếp nhận hồ sơ tại P.Gò Vấp đã chủ động kéo dài thời gian làm việc buổi sáng. Đến gần 12 giờ trưa, các cán bộ vẫn tiếp tục xử lý hồ sơ, thể hiện tinh thần "làm hết việc chứ không chờ hết giờ".
Áp dụng công nghệ vào xử lý dịch vụ công
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công P.Thủ Đức (sáp nhập từ 3 phường: Bình Thọ, Linh Chiểu, Trường Thọ của TP.Thủ Đức cũ), việc áp dụng công nghệ vào phục vụ người dân đang được đẩy mạnh bằng những cách làm mới mẻ, thiết thực. Đặc biệt, trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhiều người dân không khỏi bất ngờ khi tại đây xuất hiện 2 robot hỗ trợ hoạt động ngay trong sảnh tiếp nhận hồ sơ. Những chú robot được lập trình để tự động di chuyển giữa các hàng ghế người dân ngồi chờ, vừa phát lời chào, hướng dẫn như: "Bạn có muốn tôi hỗ trợ gì không?", "Mời bạn nhận giấy tờ...", vừa mang theo giấy tờ, nước uống trên các khay phục vụ. Thiết kế thân thiện, dễ nhận diện cùng dòng chữ "Kính chào quý khách" khiến robot trở thành điểm nhấn đặc biệt, mang lại sự thích thú cho người dân.

Cán bộ tiếp dân, đảm trách nhiệm vụ hướng dẫn người dân khi đến thực hiện các dịch vụ công tại P.An Nhơn
"Tôi từng thấy robot ở một số nơi, nhưng không ngờ tại phường cũng có thể áp dụng công nghệ hiện đại như vậy. Rất thuận tiện và gần gũi với người dân", chị Ngô Vũ Thế Thiên (Khu phố 5, P.Thủ Đức) chia sẻ trong lúc chờ làm thủ tục khai tử. Chị cũng đánh giá cao nỗ lực đổi mới trong cung cách phục vụ và tổ chức bộ máy hành chính theo mô hình mới. Trung tâm phục vụ hành chính công P.Thủ Đức có diện tích 500m², bố trí 10 quầy tiếp nhận hồ sơ cùng hệ thống trang thiết bị khang trang, hiện đại. Theo ông Lê Thượng Duy Lập - Giám đốc trung tâm, nơi đây hiện có 13 biên chế chính thức (gồm 1 giám đốc, 1 phó giám đốc và 11 công chức), bên cạnh lực lượng hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp bưu chính công ích và lao động hợp đồng.
Ông Lập cho biết, trung tâm được định hướng trở thành đầu mối tiếp nhận hồ sơ không phụ thuộc địa giới hành chính. Công tác ứng dụng công nghệ được chú trọng với việc số hóa hồ sơ, thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để từng bước xây dựng nền hành chính điện tử chuyên nghiệp, hiện đại. "Ngay từ sáng nay, chúng tôi đã bắt đầu hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC mới được phân cấp như: đăng ký kinh doanh, nhà đất... Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp nhận và xử lý đầy đủ các thủ tục nhằm phục vụ người dân một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất" - ông Lập chia sẻ.

Người dân phấn khởi khi đến làm thủ tục hành chính tại UBND P.Bình Tân trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Chú robot đáng yêu được P.Thủ Đức triển khai từ ngày 01/7 được xem là điểm sáng trong áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình xử lý dịch vụ hành chính công