Ngày càng nhiều nội dung rác trên Facebook
Đài CNN cho biết người dùng Facebook phàn nàn về tình trạng nội dung rác, phần lớn trong số đó dường như được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI), xuất hiện lúc họ lướt xem thông tin ngày càng nhiều.
Nội dung rác đôi lúc là hình ảnh do AI tạo ra rất rõ ràng, đôi lúc là bài đăng cũ của tài khoản nào đó bị phần mềm chạy tác vụ tự động hóa (bot) chia sẻ lại nhằm thu hút tương tác, vài trường hợp là hình ảnh vui nhộn (meme) hoặc đoạn phim ngắn dường như vô hại. Chúng không chỉ phiền toái mà còn có thể gây nguy hiểm. Một số nội dung được tạo ra để lừa đảo hay thậm chí phục vụ mục đích gieo rắc bất hòa.
Sự gia tăng của nội dung rác trùng với thời điểm Facebook thay đổi chiến lược hoạt động. Do hứng chịu cáo buộc tiếp tay cho can thiệp bầu cử và hành vi bạo lực ngoài đời thực nên nền tảng này không còn tập trung đề xuất sự kiện hay nội dung chính trị cho người dùng nữa, thay vào đó chuyển sang chú trọng nội dung giải trí nhằm tự biến mình thành “nền tảng khám phá” đủ sức cạnh tranh với TikTok đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Ai cũng có thể nhận ra thay đổi. Meme đăng lại hoặc tạo ra bởi AI xuất hiện trong danh sách nội dung được xem nhiều nhất theo quý của Facebook. Loạt bài đăng chứa hình ảnh AI kèm chú thích gây nhầm lẫn nhận hàng nghìn lượt thích, hàng trăm bình luận và chia sẻ. Giám đốc điều hành công ty phân tích Memetica Ben Decker cho biết: “Rất nhiều người nhắc đến nội dung rác như vấn đề ngẫu nhiên chẳng đáng kể, nhưng rõ ràng chúng đem đến lo ngại lâu dài”.
Trước ghi nhận của CNN, phát ngôn viên Meta Erin Logan khẳng định tập đoàn luôn nỗ lực xóa bỏ lẫn ngăn chặn nội dung rác lan truyền, trao cho người dùng quyền kiểm soát thông tin họ xem được, khuyến khích người sáng tạo nội dung sử dụng công cụ AI tạo ra nội dung chất lượng cao đạt chuẩn và hành động chống lại đối tượng cố thao túng lưu lượng truy cập thông qua tương tác không xác thực.
Nội dung rác tràn ngập
Nhà báo CNN Claire Duffy cho biết, trước tháng 7, trang tin Facebook của cô trông khá bình thường với ảnh em bé đăng bởi bạn bè đại học và tin mua bán từ Marketplace. Nhưng do hiếu kỳ trước phàn nàn nội dung rác ngày càng nhiều nên cô thử nhấp vào vài nội dung có vẻ kỳ lạ, vậy là thuật toán đề xuất bắt đầu hoạt động.
Nhiều tuần qua nội dung tạo ra bởi AI chiếm gần 1/3 số tin trên trang, chẳng hạn ảnh một gia đình ngồi ngoài túp lều trong rừng đăng tải bởi tài khoản tên “History for Everyone”, ghi chú thích là do nhiếp ảnh gia Lewis Hine chụp năm 1910 tại New Jersey. Nhà báo Duffy qua tìm kiếm xác định bức ảnh từng xuất hiện trên hai trang “Past Memories” và “History Pictures”, đội ngũ chuyên gia công nghệ CNN dùng phần mềm phát hiện AI tìm thấy bằng chứng ảnh đã bị chỉnh sửa.
Nhiều bài đăng khác “History for Everyone” cũng xuất hiện trên trang tin Facebook của nhà báo Duffy. Ngoài ra cô còn phát hiện một tài khoản mạo danh họa sĩ Kris Artist. Tất cả đều bị Meta xóa sau khi nữ nhà báo phản ánh với Meta.
Thuật toán tiếp tay cho nội dung rác?
Không rõ có bao nhiêu nội dung như trên tồn tại, nhưng chắc chắn chúng tiếp cận rất nhiều người. Trang “History for Everyone” thu hút hơn 40.000 người theo dõi mặc dù các bài đăng riêng lẻ chỉ nhận được ít tương tác.
Theo dõi hơn 120 trang Facebook thường xuyên đăng tải hình ảnh tạo ra bởi AI, Đại học Stanford và Đại học Georgetown ghi nhận chúng nhận được hàng trăm triệu lượt tương tác. Hai nhà nghiên cứu Renee DiResta và Josh Goldstein cho biết: “Đôi lúc trang tin Facebook hiển thị hình ảnh AI dù người dùng không truy cập trang đăng hình ảnh. Chúng tôi nghi ngờ thuật toán của Facebook quảng bá nội dung có khả năng thu hút tương tác.
Động cơ đăng nội dung rác rất đa dạng, từ kiếm tiền thưởng mà Facebook trả cho người sáng tạo nội dung, rao bán hàng giả đến thu thập thông tin cá nhân.
Các tài khoản đăng nội dung rác tránh bị xử lý bằng cách chủ yếu chia sẻ những thứ vô hại, nhưng thỉnh thoảng lại chèn thông tin sai lệch hoặc meme phản cảm vào. Nhà nghiên cứu AI David Evan Harris chỉ ra cách ngụy trang như vậy giúp các tài khoản tồn tại trong thời gian dài.
Ông cũng lưu ý về tình trạng rao bán tài khoản cũ, vì tài khoản cũ trông giống có người sử dụng nên dễ vượt qua bộ lọc nội dung hơn.
Khó lòng ngăn chặn
Với công cụ AI, kẻ xấu chẳng cần nhiều người để tạo ra nội dung rác nữa. Công nghệ sẽ làm tất cả.
Giáo sư Hany Farid (Đại học California) nhận định kiểm duyệt tất cả hình ảnh đăng tải mỗi ngày mà không mắc lỗi là thách thức vô cùng lớn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển thần tốc. Dù cho thực hiện được thì Meta cũng không nên cấm tất cả nội dung liên quan đến AI.
Đầu năm nay Meta công bố chính sách dán nhãn nội dung tạo ra bởi AI, tuy nhiên vẫn có cách để tránh bị phát hiện. Đội ngũ kiểm duyệt của tập đoàn cũng thu nhỏ đáng kể sau đợt cắt giảm nhân sự thời gian qua, do đó họ phải trông cậy nhiều hơn vào hệ thống kiểm duyệt tự động vẫn còn lỗ hổng.