Ngày ấy đâu rồi…

Ngày ấy xa rồi, ngày ấy xa rồi, cho tôi tìm lại…' Lời hát ấy của một nhạc sĩ người Kinh mà cũng nói thay tâm trạng của những người con trên đại ngàn Tây Nguyên. Không gian huyền thoại đang dần dần trở về với thời dĩ vãng.

Những buôn làng người Ê Đê, Ba Na, Mnông, Cơ Ho, Xtiêng, Ra Glai, Chu Ru… không còn gì nhiều để phân biệt với nhau và với xóm làng người Kinh. Họ ăn mặc như nhau và cũng giống người Kinh. Nhà khá giả thì xây biệt thự, đi làm rẫy bằng ô-tô, xe máy đời mới. Lễ hội các dân tộc cứ nhạt nhòa rồi mất dần. Sinh hoạt truyền thống cộng đồng buôn làng cũng không còn mấy người quan tâm.

Nước ngọt, bia lạnh thay cho rượu cần. Những bến nước nguồn thiêng không còn được sửa sang, chăm chút. Những nghệ nhân dân gian trong các buôn làng cũng dần dần ra đi và bỏ lại phía sau họ những khoảng trống không thể bù đắp. Sợi dây thắt chặt một cộng đồng văn hóa hình như đang lơi lỏng, tuột dần theo nhịp sống hiện đại. Người già ngậm tẩu ngồi im lìm bên bậc cầu thang mà lòng nao nao buồn nhớ tháng ngày đã xa. Lứa trẻ hoang mang, khó tìm đường theo cánh chim phí bay về nguồn cội.

Một già làng Cơ Ho ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) nói rằng: "Bây giờ đã phải kể chuyện buôn làng như chuyện ngày xưa rồi. Lũ con trai, con gái trong buôn thích mặc váy đầm, áo phông rồi cưỡi xe máy dạo phố, hát karaoke và nhảy đầm chứ không hề biết dân ca Yalyău, cũng không còn thích múa xoang nữa".

Thật buồn lòng khi phải chứng kiến, ở một vài hội diễn nghệ thuật, người ta đã đưa nghệ nhân lên sân khấu kể khan. Giữa ánh đèn xanh đỏ tím vàng lòe loẹt, dây nhợ lằng nhằng, trước những vị giám khảo "cổ cồn, cà vạt" và đủ loại khán giả, nghệ nhân đóng khố đứng trước micro ọc ạch đọc... khan.

Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là đúng đường lối nhưng "phát huy" kiểu ấy chỉ tổ giết chết một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng độc đáo. Kiểu "phát huy" này đã kéo khan ra khỏi đời sống thật sự của nó, kéo khan ra khỏi tâm linh của những người sáng tạo nên khan. Văn hóa dân gian chỉ có thể trường tồn trong không gian của nó. Khi không gian sống, nơi lưu giữ kho tàng văn hóa bị mai một, mờ nhạt thì rồi đây những biểu hiện, những thành tố cấu thành văn hóa sẽ sống và phát triển ra sao…?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh từng nói: "So với nhiều nước trên thế giới, chúng ta đề cao chủ trương bảo vệ văn hóa dân tộc. Chúng ta là một trong những nước thực hiện tốt việc bảo vệ tính đa dạng văn hóa. Chúng ta có bình đẳng văn hóa giữa các dân tộc. Tuy nhiên, chính sách của Đảng và Nhà nước là vậy, chúng ta thực hiện như thế nào lại là chuyện khác. Nhiều thiếu sót đã xảy ra và cần phải sớm khắc phục trong một tương lai gần…".

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ngay-ay-dau-roi-225202.html
Zalo