Ngày 15/4/1975: Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh giành nhiều thắng lợi
Ngày 15/4/1975, cuộc chiến đấu ở Phan Rang tiếp tục diễn ra ác liệt. Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh giành nhiều thắng lợi.

Quân Giải phóng chiếm Trường Thiết giáp của quân ngụy tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa). Từ đầu tháng 4/1975, các binh đoàn chủ lực của ta từ khắp các hướng tiến về Sài Gòn, tấn công địch với sức mạnh vũ bão và tiêu diệt toàn bộ tuyến phòng thủ từ vòng ngoài của địch. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điện cho Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn, chỉ rõ: “Chiến dịch Hồ Chí Minh rất to lớn về mục đích, về quy mô, cũng như về lực lượng… Sài Gòn là sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy. Bọn phản động đầu sỏ tập trung ở đây, nên cũng cần có dự kiến trong tình hình nào đó cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian nhất định… Địch luôn luôn có thể có những cố gắng mới. Nhưng ta có đầy đủ điều kiện và khả năng để giành toàn thắng trong thời gian ngắn với nhịp độ nhanh”.
Cuộc chiến đấu ở Phan Rang tiếp tục diễn ra ác liệt. Sư đoàn 3 tiếp tục cho Trung đoàn 2 tiến công cứ điểm Kiền Kiền, Ba Tháp, phá vỡ dải phòng ngự bên trong (còn gọi là tuyến 2).
Cùng lúc, Trung đoàn 141 có xe thiết giáp hỗ trợ, đã vượt qua Quốc lộ 1, đè bẹp các ổ đề kháng của địch, tiến về hướng đông; Trung đoàn 25 Tây Nguyên được tăng cường Tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 12 phát triển áp sát phía bắc sân bay Thành Sơn. Toàn bộ các mục tiêu trọng yếu của đối phương trong thị xã Phan Rang bị ta vây chặt.
Phía địch, trưa 15/4/1975, Trần Văn Đôn - Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng ngụy quyền và Nguyễn Văn Toàn - Tư lệnh Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa, đáp máy bay xuống sân bay Thành Sơn thị sát và khích lệ tinh thần binh sĩ.
Tối cùng ngày, Nguyễn Vĩnh Nghi – Phó Tư lệnh Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa, Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3, họp với các tướng tá khác ở Phan Rang, lên kế hoạch phản công quy mô lớn cho ngày hôm sau, hòng chiếm lại các vị trí đã mất và cải thiện lại thế trận phòng ngự.
Cùng ngày, Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An và Chính ủy Quân đoàn Lê Linh đề nghị với Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải cho phép Quân đoàn đưa Sư đoàn 325 vào chiến đấu phối hợp với Sư đoàn 3 đánh Phan Rang để mở cửa nhanh chóng đưa Quân đoàn vào tham gia tiến công mục tiêu chính là Sài Gòn-Gia Định càng sớm càng tốt. Được Bộ Tư lệnh cánh đông đồng ý, lãnh đạo chỉ huy Quân đoàn cùng chỉ huy các cấp nghiên cứu sử dụng cách đánh mới là tiến công trong hành tiến để đánh Phan Rang.
Ngay trong đêm 15/4/1975, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 325 (gồm Trung đoàn 101 bộ binh, Trung đoàn 18 bộ binh có Tiểu đoàn 5 xe tăng, thiết giáp của Lữ đoàn 203 phối thuộc) triển khai lên mặt Đường số 1 chuẩn bị đột phá vào tuyến phòng ngự Phan Rang theo hướng Đường số 1.
Tại chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh, sáng 15/4/1975, ta sử dụng pháo 130mm bắn vào sân bay Biên Hòa. Cùng lúc đó, bằng năm trận vận động tập kích, Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95A tiêu diệt Chiến đoàn 52 Việt Nam Cộng hòa ở ngã ba Dầu Giây, thu 12 khẩu pháo và toàn bộ xe tăng của Chi đoàn 3 thiết giáp tại Sở chỉ huy dã chiến của Chiến đoàn 52 mà địch gọi là “căn cứ Nguyễn Thái Học”. Ta cắt đứt Quốc lộ 1A từ Xuân Lộc đến Bàu Cá và làm chủ hoàn toàn Quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây lên Túc Trưng.
Cùng ngày, Sư đoàn 316 và các đơn vị đi đầu của Quân đoàn 3 đến khu vực Dầu Tiếng vừa giải phóng, chiếm lĩnh bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía tây-bắc theo đúng kế hoạch chiến dịch.
Trong khi đó, tại Đồng Xoài - vị trí tập kết của Quân đoàn 1, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn họp nghiên cứu, quán triệt và bàn biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho Quân đoàn trong trận quyết chiến lược đánh vào Sài Gòn Gia Định.
Ngày 15/4/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Khu 9 họp đánh giá tình hình: Trên chiến trường chúng ta thắng lớn có tác động đến địch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên ý định quyết giữ Cần Thơ của địch đã bộc lộ rõ…. Việc đánh chiếm Cần Thơ, phối hợp với lực lượng đánh chiếm Sài Gòn chưa thực hiện được, vì lúc này Xuân Lộc ta vẫn chưa giải quyết xong. Với tinh thần tích cực, chủ động tiến công lực lượng vũ trang Quân khu vẫn liên tục tiến công vào các vị trí, các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa, tạo điều kiện thuận lợi đánh chiếm Cần Thơ sau này.
Ở Quân khu 8, ngày 15/4/1975, Sư đoàn 8 chuyển hoạt động xuống lộ 4, mở hành lang nam Long An. Trung đoàn 88, Trung đoàn 24 kết hợp với 2 tiểu đoàn Long An gỡ 45 đồn bót, giải phóng 12 xã thuộc các huyện Châu Thành, Cần Đước, Tân Trụ... mở rộng bàn đạp tấn công từ hướng nam lên Sài Gòn.
Với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tới giữa tháng 4/1975, không kể 3 trung đoàn rải ra trên Đường 1, còn 4 đại đội của Sư đoàn 473 và 1 đại đội của Trung đoàn 509 được huy động đi làm nhiệm vụ ở hướng đông.
Ở hướng tây, hai trung đoàn 34 và 576 cũng chuyển sang làm nhiệm vụ bảo đảm Đường 24.
Phía nam, một bộ phận của Sư đoàn 470 bảo đảm đường ở khu vực Đắc Tả, Đắc Tùng, sau đó tiến xuống bảo đảm đường khu vực Chơn Thành (Đường 13), bảo đảm vượt sông Bé cho lực lượng ta trên hướng này.
Đại bộ phận lực lượng công binh Trường Sơn vẫn hoạt động trên cả hai tuyến đông và tây, sẵn sàng bảo đảm cơ động, vận chuyển cho các lực lượng ta trong mọi tình huống.