Ngày 11-10, nhiều nơi vẫn còn ngập, lũ rút chậm, sạt lở nghiêm trọng

Lũ rút chậm, đến sáng ngày 11-10 nhiều nơi vùng trũng, thấp tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn ngập, một số nơi cô lập, người dân đang khắc phục. Nhiều địa phương khác cũng tìm nhiều cách ứng phó với tình hình ngập lụt, sạt lở.

>>> Lũ rút chậm, một số nơi huyện Nghĩa Hành vẫn ngập cục bộ

Ghi nhận tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, tuy nước lũ đã rút ở nhiều khu vực nhưng nhiều khu dân cư nằm trong vùng trũng thấp vẫn còn bị ngập nước.

Thôn Phú Vinh Trung, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, vẫn ngập vào sáng ngày 11-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Thôn Phú Vinh Trung, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, vẫn ngập vào sáng ngày 11-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một ngôi nhà nước lũ tràn ngập vẫn chưa rút. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một ngôi nhà nước lũ tràn ngập vẫn chưa rút. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tại thôn Phú Vinh Trung, thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành) nước lũ vẫn ngập khoảng 0,5m, người dân tạm trú tại các nhà cao tầng, xen ghép. Chị Võ Thị Hoa (thôn Phú Vinh Trung) cho biết: “Nước lũ vẫn còn đầy sân, mấp mé bậc thang vào nhà, bùn đất và rác tấp vào nhiều tuy nhiên do nước chưa rút nên chúng tôi chưa thể dọn dẹp được”.

Ông Phạm Ngọc Huệ (thôn Phú Vinh Trung) cho biết: “Lũ ngập gần 1m, lượng bùn đất rất nhiều, trong sáng nay, tôi đã dọn dẹp bùn đất và dùng máy bơm để bơm nước ngập từ trong nhà ra”.

Người dân dùng máy bơm để bơm nước ngập trong nhà và dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân dùng máy bơm để bơm nước ngập trong nhà và dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nước ngập nhà dân quanh thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nước ngập nhà dân quanh thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Trương Thị Dung (thôn Phú Vinh Trung) cũng cho biết, sáng nay người dân lội nước để mua đồ ăn sáng, nhiều tuyến đường khu vực Chợ Chùa vẫn còn ngập, nhiều người gặp khó khăn và phải quay đầu xe đi đường phụ.

Ngập đường trong khu dân cư thị trấn Chợ Chùa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ngập đường trong khu dân cư thị trấn Chợ Chùa. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tuyến đường chính vào thị trấn Chợ Chùa vẫn ngập, lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo qua lại, nên người dân phải đi đường vòng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tuyến đường chính vào thị trấn Chợ Chùa vẫn ngập, lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo qua lại, nên người dân phải đi đường vòng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tại xã Hành Thuận (huyện Nghĩa Hành) vẫn còn ngập cục bộ ở thôn Phúc Minh. Ông Lê Tôn Thành cho biết: “Nước lũ tràn qua đường, băng qua cánh đồng ngập toàn bộ hộ dân thôn Phúc Minh. Đến sáng nước đã tạm rút nhưng vẫn còn lưng chừng sân nhà”.

Nước ngập và chảy xiết chia cắt nhiều tuyến đường trong khu dân cư của xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nước ngập và chảy xiết chia cắt nhiều tuyến đường trong khu dân cư của xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, cho biết, từ 23 giờ 30 phút ngày 10-10, lũ lên đạt đỉnh và bắt đầu rút dần. Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều ngập, nhiều khu vực ngập rất sâu. Đến sáng nay (ngày 11-10), các địa phương đang kiểm tra tình hình ngập, một số nơi vẫn ngập cục bộ, lũ đang rút. Đối với các trường học thì huyện đang cho học sinh nghỉ học, chờ khắc phục lũ lụt sau mưa lũ.

Một nhà dân bị bao vây bởi nước lũ vẫn còn vào sáng 11-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Một nhà dân bị bao vây bởi nước lũ vẫn còn vào sáng 11-10. Ảnh: NGUYỄN TRANG

*Người dân sống trên ốc đảo sông Trà Khúc chủ động phòng tránh lũ

Trong sáng 11-10, lũ vẫn rất lớn trên sông Trà Khúc, những hộ dân sống giữa sông Trà Khúc bị cô lập. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng có nhiều biện pháp chống lũ, chống ngập và chuẩn bị đầy đủ lương thực.

UBND xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) đã cắm bảng, giăng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm trên tuyến đường băng qua sông Trà Khúc.

UBND xã Tịnh An đã cấm người dân qua lại đường băng qua sông Trà Khúc vào khu dân cư giữa sông vì nước quá lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

UBND xã Tịnh An đã cấm người dân qua lại đường băng qua sông Trà Khúc vào khu dân cư giữa sông vì nước quá lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân ở “ốc đảo” thôn Ân Phú và xóm Tân Lập (thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) giữa sông Trà Khúc đã tìm nhiều cách để phòng tránh lũ như xây nhà có gác, nâng cao nền nhà, làm tường kiên cố, xây nhà cho gia súc, gia cầm…

Khu dân cư gọi "ốc đảo" giữa sông Trà Khúc. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Khu dân cư gọi "ốc đảo" giữa sông Trà Khúc. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Bà Bùi Thị Tuyết (thôn Ân Phú, xã Tịnh An) đã chuẩn bị gạo, mì tôm, mắm muối dự trữ cho khoảng 10 ngày. Bà nói: “Ở giữa sông Trà Khúc, khi bị nước bao vây tứ bề, ngập đường, không có thuyền ghe qua lại thì người dân phải chủ động dự trữ, có khi 10 ngày, nửa tháng lũ mới chịu rút”.

Ngay từ đầu mùa lũ, người dân đã bán gà lớn, trâu bò. Bà Tuyết cho biết: “Đàn trâu cứ phải cột cổ cho ngóc đầu lên, nước ngập đến đâu thì ngoi lên đến đó, nhưng lũ lớn quá thì trâu gà cũng chết, nghĩ vậy, nên mọi người nuôi trâu bò, nuôi gà, heo đều tranh thủ bán trước lũ”.

Người dân nơi đây có đến 70% làm nhà có nền cao từ 1-2m, xây tường xi măng kiên cố như “hàng rào chống lũ” trước nhà.

Người dân ở khu dân cư giữa sông Trà Khúc làm nhà phân cấp từ nền đến nhà chính, tường rào để phòng tránh lũ lụt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Người dân ở khu dân cư giữa sông Trà Khúc làm nhà phân cấp từ nền đến nhà chính, tường rào để phòng tránh lũ lụt. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Hầu hết nhà trong làng đều có thêm chạn gác để tránh lũ. Trong làng cũng có công trình nhà chống lũ cộng đồng. Trước bão lũ, người dân đều tập trung ở nhà chống lũ.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, hiện lũ trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang xuống chậm. Trong đó các sông Vệ, sông Trà Câu vẫn đang dưới mức BĐ 3 khoảng 0.03-0.31m, sông Trà Bồng và sông Trà Khúc dưới mức BĐ 2 từ 0.16-0.17m. Dự báo trong 6 giờ tới, lũ trên các sông dao động ở mức BĐ2-BĐ3 và xuống chậm. Trong 6-24 giờ tiếp theo lũ trên các sông xuống chậm dần.

Ngập lụt trên diện rộng còn xảy ra ở các vùng trũng, thấp, ven sông tại một số địa phương thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ và Thành phố Quảng Ngãi. Đặc biệt là các xã ven sông Vệ, sông Phước Giang như Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Đức, Thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành); Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa); ven sông Trà Câu như Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Ninh (Thị xã Đức Phổ).

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối, ngập các ngầm, cầu tràn tại một số địa phương thuộc các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long.

* Lo sợ sạt lở đất, hơn 8.200 học sinh huyện Tu Mơ Rông phải nghỉ học

Cầu tràn Đắk Sao, thuộc quốc lộ 678 đoạn qua huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã bị hư hỏng trong đợt bão lũ

Cầu tràn Đắk Sao, thuộc quốc lộ 678 đoạn qua huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã bị hư hỏng trong đợt bão lũ

Sáng ngày 11-10, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã cho học sinh các bậc mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn nghỉ học. Lý do vì thời gian qua, trên địa bàn huyện liên tục xảy ra mưa lớn, gây nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Để đảm bảo an toàn, huyện đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 11-10 và chỉ đi học trở lại khi đảm bảo an toàn.

Hiện trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 8.200 học sinh đang học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Cũng theo ông Mạnh, dù mưa to kéo dài nhiều ngày nhưng hiện tại, tình hình các xã vẫn ổn, chưa nơi nào bị cô lập do sạt lở đất.

Ông Bùi Thế Toàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, Sau khi nhận thông báo, lãnh đạo xã đã xuống tận thôn thông báo cho phụ huynh biết, cũng như khuyến cáo trong thời gian các em nghỉ học, không để các em ra vùng có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn.

*Quảng Nam: Nước lũ tràn qua Quốc lộ 1A gây ách tắc giao thông

Ghi nhận sáng 11-10 tại Quốc lộ 1 đoạn qua xã Tam Đàn, Tam An (huyện Phú Ninh), xã Bình An (huyện Thăng Bình), nước lũ tràn qua đường gây ách tắc giao thông. Đoạn từ Km895 đến Km989 ngập sâu, nhiều đoạn ngập gần 1m gây ách tắc giao thông cục bộ.

>>> Video Nước tràn qua Quốc lộ 1A

Ngay từ đêm 10-10 đến sáng nay, lực lượng của đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh Quảng Nam) đã túc trực, phân luồng giao thông, yêu cầu người dân đi xe máy, ô tô, xe tải dưới 3,5 tấn phải quay đầu không được qua chỗ ngập để đảm bảo an toàn. Lực lượng ứng trực cũng hướng dẫn các phương tiện di chuyển bằng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoặc tuyến đường biển 129.

Có 4km của tuyến Quốc lộ 1A ngập nặng, có nơi gần 1m nên chỉ có xe tải trên 3,5 tấn mới được di chuyển

Có 4km của tuyến Quốc lộ 1A ngập nặng, có nơi gần 1m nên chỉ có xe tải trên 3,5 tấn mới được di chuyển

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, đến nay, sông Vu Gia tại trạm Hội Khách đang dưới báo động 1 là 1,35m, tại trạm Ái Nghĩa dưới báo động 3 là 0,17m. Còn tại Sông Thu Bồn có 3 trạm trên mức báo động 3 gồm các trạm Nông Sơn, Câu Lâu, Hội An. Riêng tại trạm Giao Thủy trên báo động 2 là 0,79m.

Hiện các hồ thủy lợi do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý có 12/17 hồ đã tích đầy nước, riêng hồ Phú Ninh đã tích 69,9%.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nam Trà My, chiều 9-10 tại khu vực sông nước Na, anh Hồ Văn Tiến và chị Hồ Thị Dâu (cùng trú xã Trà Cang) bị nước cuốn trôi mất tích khi đi qua sông. Sau đó, anh Tiến may mắn thoát nạn về nhà, còn chị Dâu vẫn đang mất tích.

Đến sáng nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông Đoàn Văn Hương (54 tuổi, trú khối phố Đông Trà, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Trước đó chiều 10-10 nghe thông tin có một học sinh bị nước cuốn trôi, ông Hương nhảy xuống tìm kiếm thì không may bị nước lũ cuốn trôi dẫn đến tử vong.

*Hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở chia cắt đường Hồ Chí Minh

Ngày 11-10, Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập (Biên phòng Quảng Trị) cho biết, trong đêm 10-10, tại Km169+100 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua thôn Cợp (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), xảy ra sạt lở lớn.

Hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Khoảng 7.000m3 đất đá sạt lở xuống, gây tắc đường từ xã Hướng Lập ra hướng tỉnh Quảng Bình. Hiện Đồn Biên phòng Hướng Lập đã thông báo cho chính quyền địa phương và đơn vị quản lý đường bộ để có biện pháp khắc phục.

>>> Video Hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở chia cắt đường Hồ Chí Minh nhánh Tây

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to. Nước sông, suối dâng cao làm một số ngầm, cầu tràn bị ngập gây chia cắt giao thông một số khu vực trên địa bàn huyện Đakrông như: Ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, xã A Ngo, ngầm tràn Ly Tôn và Tà Lao, xã Tà Long, cầu tràn Ba Lòng,…

Hiện tại, nước đã rút, giao thông đi lại bình thường. Riêng cầu tràn Ba Lòng nước vẫn còn, giao thông vẫn bị chia cắt. Đến thời điểm hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 52,24% so với dung tích thiết kế.

* Bình Định, Quảng Ngãi sạt lở nghiêm trọng ở miền núi

Mưa lớn như xối, lũ từ thượng nguồn miền núi huyện Hoài Ân (Bình Định) ồ ạt chảy về hạ du vào chiều tối 10-10. Ảnh: H.TÍN.

Mưa lớn như xối, lũ từ thượng nguồn miền núi huyện Hoài Ân (Bình Định) ồ ạt chảy về hạ du vào chiều tối 10-10. Ảnh: H.TÍN.

Sáng 11-10, UBND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cho biết, địa bàn đã ngớt mưa, các lực lượng chức năng và các địa phương đang tập trung theo dõi, thống kê thiệt hại sau trận mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 9 đến tối 10-11.

Một vị trí sạt lở nghiêm trọng ở khu vực suối Tình Cảm, huyện miền núi An Lão, Bình Định. Ảnh. Đ.Đ.BỬU.

Một vị trí sạt lở nghiêm trọng ở khu vực suối Tình Cảm, huyện miền núi An Lão, Bình Định. Ảnh. Đ.Đ.BỬU.

Theo thông tin ban đầu, toàn huyện có 4 hộ dân nằm trong vùng sạt lở, gồm: ông Đinh Văn Niêm (thôn 4), Đinh Văn Tha, Đinh Văn Đon (thôn 5, cùng ở xã An Vinh) và hộ ông Đinh Văn Vinh (cùng ở xã An Vinh, huyện An Lão) có nguy cơ sạt lở mức độ nguy hiểm cần sơ tán đến nơi an toàn.

Sạt lở cũng xảy ra ở 2 khu vực là suối Tình Cảm (xã An Quang), tuyến đường từ thôn 4 đi thông 2 xã An Nghĩa gây chia cắt nhiều vùng dân cư. Mưa lớn gây ngập lụt nặng các tuyến đường ĐT629, (đoạn qua thôn Trà Cong, xã An Hòa), 2 điểm các xã An Hòa, 3 điểm sạt lở ở xã An Nghĩa và 3 điểm sạt lở khác ở các xã miền núi An Quang, xã An Vinh.

Sạt lở tuyến đường miền núi An Lão trong sáng 11-10. Ảnh: Đ.Đ.BỬU

Sạt lở tuyến đường miền núi An Lão trong sáng 11-10. Ảnh: Đ.Đ.BỬU

Theo UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), địa phương ghi nhận lượng mưa kỷ lục trên 400mm. Mưa lớn khiến gia tăng nguy cơ sạt lở núi cho huyện này. Trong đó, ngoài vụ sạt lở đang xác minh thiệt hại ở thủy điện, địa bàn còn xảy ra sạt lở ở các tuyến đường phía Tây từ thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) – huyện Trà Bồng, tuyến quốc lộ 24C từ Trà Bồng – Nam Trà My (Quảng Nam).

Vụ sạt lở ở thôn Vuông, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng.

Vụ sạt lở ở thôn Vuông, xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng.

Tại thôn Vuông (xã Trà Thanh, Trà Bồng) xảy ra sạt lở khiến đất, đá tràn vào vách sát vách nhà văn hóa của thôn này; khu vực tổ 3 (thôn Nguyên, xã Trà Hiệp) ghi nhận 1 vụ sạt lở, đất đá chắn ngang đường giao thông cô lập nhiều nhà dân…

Tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Ngọc Thêm thông tin, mưa lớn khiến cho nhiều khu vực miền núi như Sơn Long, Sơn Bua (huyện Sơn Tây) nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở núi. “Qua nắm bắt cơ sở, tại địa bàn giáp ranh 2 xã Sơn Tinh, Sơn Lập xảy ra vụ sạt lở gây chia cắt cục bộ. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đang theo dõi tình hình để nắm bắt nguy cơ sạt lở khẩn trương sơ tán người dân”, ông Thêm cho hay.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ở thủy điện Kà Tinh, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ở thủy điện Kà Tinh, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi

Từ chiều 11-10, huyện Sơn Tây cũng đã bố trí lực lượng chốt trực cảnh báo bà con không di chuyển qua suối, tràn, sông khi lũ lớn, để tránh xảy ra thiệt hại về người…

NGỌC OAI-NGUYỄN TRANG- HỮU PHÚC- NGUYỄN CƯỜNG- NGUYỄN HOÀNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ngay-1110-nhieu-noi-van-con-ngap-lu-rut-cham-sat-lo-nghiem-trong-848047.html
Zalo