Ngày 11-10, có thêm 10 người chết và mất tích do mưa lũ

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, đến 19 giờ tối 11-10, mưa lũ ở miền trung đã làm 30 người chết và mất tích (17 người chết và 13 người mất tích), tăng thêm 10 người so với ngày trước đó.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, đến 19 giờ tối 11-10, mưa lũ ở miền trung đã làm 30 người chết và mất tích (17 người chết và 13 người mất tích), tăng thêm 10 người so với ngày trước đó.

Cụ thể, ngày 11-10, số người chết đã tăng lên tám người so với báo cáo ngày 10-10, trong đó Quảng Trị thêm ba người chết, Quảng Nam thêm hai người chết, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Lâm Đồng thêm một người chết. Số người mất tích cũng tăng thêm ba người ở các địa phương Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng.

Tính theo địa phương, đợt mưa lũ này tại Quảng Trị có sáu người chết và sáu người mất tích; Thừa Thiên Huế có ba người chết và một người mất tích; Quảng Nam có ba người chết; Đà Nẵng có bốn người mất tích; Quảng Bình và Gia Lai cùng có một người chết và một người mất tích; các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng có một người chết.

Chiều nay, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai đã ra Công điện số 23/CĐ-TW về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Bộ.

Theo đó, đối với tuyến biển và ven bờ, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ vĩ bắc; từ 115,0 đến 120,0 độ kinh đông và được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo.

Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống.

Hướng dẫn neo đậu và có phương án đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đặc biệt là với các tàu vận tải, tàu vãng lai, tránh để lặp lại các sự cố đáng tiếc như tại vùng biển Cửa Việt, Quảng Trị những ngày vừa qua.

Chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Đối với tuyến đất liền, các tỉnh Bắc Bộ cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Sẵn sàng phương án tiêu thoát nước tại các khu vực trũng thấp, các khu đô thị, khu dân cư tập trung đề phòng xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn.

Các tỉnh khu vực Trung Bộ cần tiếp tục triển khai nghiêm túc công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 8-10 của Thủ tướng Chính phủ.

THẢO LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ngay-11-10-co-them-10-nguoi-chet-va-mat-tich-do-mua-lu-620016/
Zalo