'Ngáo' quyền lực mạng
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc ồn ào trên mạng xã hội giữa một vlogger và bác sĩ sản khoa khiến công chúng ngán ngẩm.
Ngày càng có nhiều người sáng tạo nội dung ảo tưởng về sức ảnh hưởng của họ. Sự nổi tiếng nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội gây nên nhiều hệ lụy cho không ít người.
Không ít người dùng ngộ nhận về quyền lực ảo mà mạng xã hội đem đến. Họ gây ra những vụ lùm xùm vì cách ứng xử sai lầm trên không gian mạng. Giữa tháng 3/2023, cư dân mạng xôn xao vì tranh cãi giữa bà Đức Nhân (chủ kênh YouTube Vợ Chồng Nhà Nhân - JP And FAMILY Cuộc Sống Ở Nhật) với bác sĩ giúp cô thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Đức Nhân bày tỏ không hài lòng bởi vị bác sĩ này “không có tâm” và không thống nhất, rõ ràng về thời gian điều trị. Vị bác sĩ cũng đăng video phản bác trên YouTube và TikTok. Anh khẳng định bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, cho rằng Đức Nhân cố tình diễn, dùng câu chuyện “tìm con” với mục đích thương mại. Hai bên khẩu chiến gay gắt trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Tối 14/3, nữ YouTuber tổ chức cuộc gặp gỡ báo chí để làm rõ sự việc, nhưng cộng đồng không đứng về phe họ.
Trước đó không lâu, một nam TikToker có lượng theo dõi lớn cũng vô tư phát ngôn xúc phạm người nghèo khi đi làm “từ thiện”. Người này tỏ thái độ bề trên, có lời lẽ thiếu văn minh trong nhiều video. Nội dung dạng “bóc phốt”, khẩu chiến kịch liệt với ngôn ngữ “chợ búa” trên không gian mạng xuất hiện ngày càng nhiều.
Blogger Trinh Phạm nổi tiếng trong lĩnh vực làm đẹp lý giải nguyên nhân người nổi tiếng trên mạng xã hội có xu hướng “ngáo quyền lực”. Khi có lượng người theo dõi nhất định trên mạng xã hội, một số người có sức ảnh hưởng thường được đối xử đặc biệt hơn khi sử dụng dịch vụ ở nhà hàng, khách sạn, cửa hàng… Blogger Trinh Phạm cho rằng đó là cách ứng xử bình thường của nhãn hàng, bởi họ nhắm đến mục đích quảng bá sản phẩm.
“Tuy nhiên, người nổi tiếng được đối xử đặc biệt thường xuyên dễ sinh ra tâm lý mặc định. Suy nghĩ này dần tạo một thói xấu. Nếu không được đối xử đặc biệt, họ cho là thiếu công bằng”, Trinh Phạm nói. Không ít trường hợp những người có tiếng tăm trên mạng xã hội coi nhóm người theo dõi của mình là đại diện của cả thế giới. “Những người theo dõi họ có suy nghĩ, quan điểm tương đồng. Người nổi tiếng chia sẻ bất cứ điều gì cũng được những người theo dõi họ đồng ý, tung hô. Vì thế, người nổi tiếng nghĩ ý kiến của mình luôn hay, luôn đúng”, Trinh Phạm phân tích.
Chuyên gia Đào Duy Tùng đồng quan điểm, cho rằng nhiều người dùng mạng xã hội mang tâm lý ảo tưởng, dùng sự tranh cãi để điều hướng dư luận. “Nhiều người trong cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam rất thích những nội dung gây tranh cãi. Nội dung càng tiêu cực càng nổi tiếng, càng được lan truyền chóng mặt", ông Tùng phân tích.
Hệ lụy
Nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) lý giải hành vi “ngáo” quyền lực của một số cá nhân trên mạng là do “niềm tin mù quáng vào sức mạnh của bản thân”. Anh cho rằng, họ có niềm tin vào những người hâm mộ sẽ luôn trung thành, ủng hộ nhưng thực tế công chúng, đặc biệt là công chúng mạng xã hội hiện nay luôn chạy theo thị hiếu.
“Vì chạy theo thị hiếu nên có thể lúc này công chúng ủng hộ, lúc khác họ lại không ủng hộ, thậm chí quay lưng lại với người mình từng rất hâm mộ. Vì thế, những người làm nội dung trên mạng xã hội dễ ảo tưởng về sức mạnh của mình, mong muốn định hướng công chúng. Họ đã nhầm”, TS Nguyễn Tuấn Anh nêu.
Đối với những bạn trẻ, đặc biệt là những người chưa nhiều trải nghiệm ít vốn sống, khi nhìn thấy những hào quang của những người sáng tạo nội dung trên mạng sẽ dễ bị dẫn dụ, thu hút. “Khi giới trẻ ảo tưởng về sự nổi tiếng và vị thế của mình trong xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng đến cách hành xử của họ với những người xung quanh. Họ cho rằng mình đứng trên người khác và có quyền coi thường, ra lệnh cho người khác. Đây chính là hệ quả của việc ảo tưởng quyền lực mà các nền tảng mạng xã hội mang lại”, TS. Nguyễn Tuấn Anh phân tích.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những người sáng tạo nội dung nổi bật trên mạng xã hội sẽ thấy họ đã phải có thời gian phát triển, tích lũy lâu dài và không chạy theo xu hướng. Khi có lượng người theo dõi nhất định mỗi người sáng tạo nội dung cần có trách nhiệm với sản phẩm đặc biệt là trách nhiệm với công chúng. Bởi khi đó mỗi sản phẩm của họ đều có sự ảnh hưởng nhất định tới xã hội.
Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội ngoài tài năng còn phải có đạo đức, nhân phẩm. “Không thể lấy số lượng người theo dõi, lượt xem làm công cụ để chèn ép người khác, hay gây lùm xùm nhiễu loạn không gian mạng. Giá trị của người nổi tiếng trên mạng xã hội nên được đo đếm bằng những điều tích cực mà họ đem đến cho cộng đồng”, ông Đào Duy Tùng nói. Suy cho cùng, đạo đức cũng là yếu tố giúp người dùng mạng xã hội xây dựng thương hiệu cá nhân bền vững.
Để ngăn chặn những trường hợp “ngáo” quyền lực, đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia đề nghị xây dựng lực lượng chức năng để xử lý những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Bên cạnh áp lực dư luận và sự tẩy chay của công chúng, nhiều chuyên gia đề xuất mức xử phạt phải mang tính chất răn đe đối với những người vi phạm.
Nhức nhối livestream phản cảm
Bất chấp để kiếm thêm lượt xem, lượt yêu thích, nhiều người dùng mạng xã hội tìm cách nổi tiếng nhờ khai thác đời tư của nghệ sĩ. Ngày 20/3, đại diện gia đình nghệ sĩ Hồng Nga lên tiếng vì cuộc sống bị xáo trộn khi các streamer (những người thực hiện phát sóng trực tiếp trên nền tảng trực tuyến) tới nhà riêng quay, chụp hình. Khi bị từ chối gặp, các streamer không chịu về mà tụ tập ở những quán nước trước cửa nhà dò hỏi tin tức.