Ngành yến sào 'than' nạn hàng giả, thương hiệu bị đe dọa nghiêm trọng

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thị trường đang chứng kiến sự bùng phát của các sản phẩm gắn mác 'yến sào' nhưng thực chất được làm từ bột rau câu, lòng trắng trứng, gelatin, hương liệu tổng hợp… Do đó, uy thương hiệu bị đe dọa nghiêm trọng.

Tại tọa đàm “Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 12/4, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan đang đe dọa nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu, sức khỏe người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của ngành yến Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, thị trường đang chứng kiến sự bùng phát của các sản phẩm gắn mác “yến sào” nhưng thực chất được làm từ bột rau câu, lòng trắng trứng, gelatin, hương liệu tổng hợp…

“Chỉ từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phát hiện hơn 30 đơn vị có hành vi sao chép hình ảnh, thương hiệu hoặc thành phần tương tự Yến sào Khánh Hòa. Nhiều website giả mạo chứa từ khóa ‘yensaokhanhhoa’ cũng đã được lập ra để lừa người tiêu dùng”, ông Hải nói.

Nguyễn Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa. (Ảnh: PLTPHCM)

Nguyễn Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa. (Ảnh: PLTPHCM)

Thực tế, không khó để bắt gặp các sản phẩm “nước yến”, “tổ yến nguyên chất” được rao bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội với giá chỉ từ 9.000–15.000 đồng/lọ. Một số đơn vị còn công bố hàm lượng yến tới 30% mà không có bất kỳ kiểm định hay chứng nhận nào từ cơ quan chức năng.

"Giá bán đó hoàn toàn không tương xứng với chi phí chế biến yến thật", ông Hải khẳng định, đồng thời cảnh báo các nguyên liệu thay thế giá rẻ có thể gây hại sức khỏe, đặc biệt với trẻ em và người cao tuổi.

Bà Tâm – Giám đốc một nhà máy yến tại TP Hồ Chí Minh – chia sẻ, trên thị trường đang xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Có những sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là yến nhưng giá lại rất rẻ. Đây là điều rất đau lòng đối với những nhà sản xuất chân chính.

“Nhà máy của chúng tôi chủ yếu sản xuất và gia công. Nhiều khách hàng đến đặt hàng, yêu cầu giới thiệu sản phẩm có hương vị thơm ngon, đặc biệt... nhưng cuối cùng lại nói thẳng: “Yến của chị thực chất không phải yến nhưng bên em phải công bố là yến 30%”. Nếu tôi đồng ý làm thì họ ký hợp đồng, không thì thôi. Vì vậy, tôi đã mất rất nhiều khách hàng”, bà Tâm nêu.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi hàng giả, ngành yến còn đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh ngay trong thị trường nội địa. Ông Lương Tấn Lợi – Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My (Quảng Nam) phản ánh, tại một hội chợ, đối tác quốc tế đã băn khoăn khi thấy hầu hết các tỉnh thành đều trưng bày sản phẩm mang tên “yến thật”, khiến họ đặt dấu hỏi về độ tin cậy của sản phẩm Việt Nam.

Ông Lương Tấn Lợi – Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam.(Ảnh: PLTPHCM)

Cũng theo ông Lợi, nhiều cơ sở nuôi yến nhỏ lẻ đang tự chế biến, đóng lọ mà không qua quy trình kiểm định chất lượng. Một số sản phẩm yến sâm Ngọc Linh được bán chỉ với giá 35.000–40.000 đồng/hũ, khiến giá trị thực của tổ yến bị hạ thấp trong mắt người tiêu dùng.

Theo ông Lê Việt Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, từ năm 2008 đến nay, TP đã có hơn 735 nhà nuôi yến, chủ yếu xây dựng tự phát và không đăng ký với chính quyền. Trước thực trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết 19/2024, quy định vùng nuôi chim yến tại một số địa bàn như TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn. Việc xây dựng mới nhà yến tại các vùng này phải tuân thủ điều kiện cụ thể, có cấp phép và kiểm soát.

Đánh giá tiềm năng thị trường, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến lớn nhất thế giới với kim ngạch khoảng 8 tỷ USD/năm, chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta không xây dựng được thương hiệu rõ ràng, nguy cơ bị đối tác ‘học công thức’ và sản xuất hàng thay thế là rất lớn”.

Trước cơ hội và thách thức đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu nông sản, trong đó có yến sào – đặc biệt là yến Cần Giờ – vốn có chất lượng cao. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang phối hợp cùng các hiệp hội quốc tế để học hỏi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho ngành yến.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho rằng, muốn bảo vệ ngành yến, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về công bố chất lượng và ghi nhãn. Tăng cường thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất. Áp dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, đặc biệt là ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về yến sào.

“Đây là nền tảng để tạo dựng một thị trường yến minh bạch, lành mạnh, có kiểm soát và phát triển bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/thuong-hieu/nganh-yen-sao-than-nan-hang-gia-thuong-hieu-bi-de-doa-nghiem-trong/20250413093828187
Zalo