Ngành Y tế TP.HCM nỗ lực chuyển đổi số hướng đến y tế thông minh
Lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khẳng định dù gặp khó khăn về nguồn lực, ngành y tế thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để xây dựng hệ thống y tế thông minh, mang lại dịch vụ y tế tiện lợi hơn cho người dân…
![Trong một năm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 100 ca mổ não và tủy sống bằng robot AI giúp người bệnh được hồi sinh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_3_51456085/bc6329971ed9f787aec8.jpg)
Trong một năm, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 100 ca mổ não và tủy sống bằng robot AI giúp người bệnh được hồi sinh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng không thể thiếu trong tất cả các ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) với những nỗ lực tiên phong đã và đang thực hiện nhiều giải pháp công nghệ nhằm xây dựng hệ thống y tế thông minh.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông tin mà còn là một sự thay đổi toàn diện trong cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ, với mục tiêu lấy sức khỏe của người dân làm trung tâm. Việc thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp ngành y tế cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh và tăng cường hiệu quả điều trị.
3 GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI NỔI BẬT CỦA Y TẾ TP.HCM
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/8/2022 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, Ngành Y tế đã triển khai đồng bộ 3 giải pháp chuyển đổi nổi bật:
Thứ nhất, hàng loạt bệnh viện đã đồng loạt chuyển đổi từ hồ sơ giấy sang hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) để quản lý thông tin bệnh nhân một cách hiệu quả và an toàn hơn. Hệ thống đã được triển khai tại các bệnh viện, như: Đại học Y Dược TP.HCM, Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng TP.HCM, Trưng Vương, Truyền máu - Huyết học, Y học cổ truyền, Hùng Vương, Lê Văn Thịnh và Nhi đồng 1. Hiện tại, các cơ sở y tế đã có thể dễ dàng truy xuất, chia sẻ dữ liệu với nhau.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc triển khai bệnh án điện tử không chỉ giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh mà còn giảm thiểu thủ tục hành chính, giúp bác sĩ có thêm thời gian tập trung vào việc điều trị cho bệnh nhân. Thêm vào đó, việc lưu trữ hồ sơ điện tử cũng giúp giảm thiểu sai sót y khoa và nâng cao độ chính xác trong quá trình điều trị.
![Ki-ốt đăng ký khám bệnh và thanh toán nhanh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_3_51456085/4c6fd09be7d50e8b57c4.jpg)
Ki-ốt đăng ký khám bệnh và thanh toán nhanh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1
Thứ hai, triển khai ứng dụng telemedicine (khám chữa bệnh từ xa). Công nghệ này giúp kết nối các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới với các chuyên gia từ các bệnh viện tuyến trên, từ đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt trong những tình huống khó, hiếm gặp.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP.HCM, và nhiều bệnh viện khác trong thành phố còn áp dụng ứng dụng telemedicine trong các hoạt động hội chẩn, đào tạo y tế từ xa và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác khám chữa bệnh. Ứng dụng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều trị mà còn tạo cơ hội cho các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trong khu vực phía Nam được tiếp cận với các phác đồ điều trị mới nhất.
Thứ ba, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Nổi bật là việc triển khai máy chụp X-quang phổi tích hợp AI tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An giúp tầm soát và tư vấn y tế từ xa cho người dân một cách nhanh chóng và chính xác. Qua hai năm triển khai, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đánh giá kết quả triển khai AI tại Trạm y tế xã Thạnh An rất khả quan. Việc ứng dụng AI trong dịch vụ X-quang ngực đã giúp tăng cường sự hài lòng của người bệnh, giảm chi phí và tăng số người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã đảo.
![Bác sĩ sử dụng máy X-quang có tích hợp AI tại Trạm y tế xã đảo Thanh An. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_3_51456085/a7783f8c08c2e19cb8d3.jpg)
Bác sĩ sử dụng máy X-quang có tích hợp AI tại Trạm y tế xã đảo Thanh An. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
Song song với đó, TP.HCM còn ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực y tế, mang lại những kết quả tích cực. Nổi bật có bệnh viện Bình Dân triển khai phẫu thuật robot bằng AI và bệnh viện Quân Y 175 sử dụng robot trong sinh thiết xương. Trong khi nhiều bệnh viện khác cũng áp dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh (X-quang, CT-Scanner, MRI) giúp phát hiện bệnh sớm.
Thậm chí, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sử dụng AI trong siêu âm tim, giúp phát hiện 20% ca suy tim bị bỏ sót. Các bệnh viện tư nhân như bệnh viện Tâm Anh và Gia An cũng ứng dụng AI trong phẫu thuật và điều trị ung thư, đột quỵ, nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế.
Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh và quản lý sức khỏe cộng đồng, từ hệ thống GIS đến các nền tảng số trong quản lý dịch bệnh mới nổi.
THÁCH THỨC VỀ CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ NHÂN LỰC
Mặc dù TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc xây dựng hệ thống y tế thông minh, ngành y tế thành phố vẫn phải đối mặt với không ít thách thức lớn trong hành trình chuyển đổi số.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết một trong những vấn đề nổi cộm là hạ tầng công nghệ cần được nâng cấp để đảm bảo sự ổn định và bảo mật dữ liệu. Cơ sở hạ tầng công nghệ giữa các bệnh viện hiện tại vẫn chưa đồng nhất, gây khó khăn trong việc triển khai hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số.
Ngoài ra, đội ngũ y tế thiếu đào tạo chuyên sâu về công nghệ, tạo ra khoảng cách trong việc sử dụng và vận hành các hệ thống công nghệ mới. Thêm vào đó, ngành y tế TP.HCM cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân lực IT chuyên sâu, một yếu tố quan trọng để duy trì và tối ưu hóa các giải pháp chuyển đổi số. Cùng với đó, năng lực nghiên cứu lâm sàng và ứng dụng khoa học trong y tế vẫn còn hạn chế, làm chậm tiến độ đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, ông Thượng khẳng định, với chiến lược rõ ràng và quyết tâm của ngành, TP.HCM đang từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng nền y tế tiên tiến, minh bạch và hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.