Ngành Y tế thực hiện vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội giao, từng bước hoàn thiện thể chế
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân, toàn ngành Y tế đã nỗ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm; triển khai có hiệu quả các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ngày 24/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối điểm cầu Trung ương với điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của người dân, ngành y tế đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm, triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân; đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao.
Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai các chương trình, dự án...
Đáng chú ý, công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện. Trong năm 2024, Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế tham mưu trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quyết định, 2 Chỉ thị; ban hành theo thẩm quyền 44 Thông tư...
Ngành Y tế và các địa phương đã triển khai các giải pháp các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm; nhiều hoạt động cộng đồng về dự phòng, vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực được tăng cường.
Chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Bộ Y tế chỉ đạo, quán triệt quan điểm "lấy người bệnh làm trung tâm" để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người bệnh. Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển.
Năm 2024 cũng ghi nhận nhiều bệnh viện đạt được các giải thưởng uy tín về đánh giá chất lượng bệnh viện của trong và ngoài nước. Triển khai áp dụng thành công các kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là ghép tạng, ghép đa tạng; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục chuyển biến tích cực…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân số; trọng tâm là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…, góp phần kéo dài và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số.
Toàn ngành tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở theo nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050...
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân; tập trung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế…
Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2024, năm 2025 toàn ngành y tế tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trong đó tập trung thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội, Chính phủ giao: tỷ lệ số dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; phấn đấu đạt 15 bác sĩ/10.000 dân; 34,5 giường bệnh/10.000 dân…
Để hoàn thành các mục tiêu đó, toàn ngành sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện tổ chức bộ máy; cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ y tế, từ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, đến nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới đào tạo nhân lực y tế…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2024, trong đó nổi bật nhất là 3 chỉ tiêu Quốc hội giao và 8/9 chỉ tiêu Chính phủ giao. Ngoài ra, ngành y tế cũng có bước phát triển vượt bậc về thể chế, giải quyết được những vướng mắc, bức xúc của ngành y tế; công tác chỉ đạo, điều hành đã linh hoạt hơn giúp từng bước khắc phục hệ lụy sau covid-19, xử lý một số tồn đọng của ngành...
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Việc xây dựng thể chế có phần chậm, do vậy có những việc Chính phủ phải đứng ra giải quyết; mạng lưới y tế phát triển chưa đồng đều, tại một số vùng, người vẫn khó tiếp cận dịch vụ y tế; mức sinh thay thế vẫn chưa bảo đảm; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, nhiều bất cập...
Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, năm 2025 tập trung cả hệ thống chính trị tập trung ba việc rất quan trọng là: chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội đạt mục tiêu đề ra cũng như tạo tiền đề để phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở đó, ngành y tế cần tập trung xây dựng thể chế, phát triển ngành đóng góp cho phát triển đất nước, bên cạnh ban hành kịp thời các quy định chi tiết triển khai những Luật mới được ban hành thì tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, như Luật Dân số, Luật An toàn thực phẩm, phòng bệnh… bảo đảm tính chủ động theo thẩm quyền, tạo không gian phát triển cho các thiết chế liên quan.
Toàn ngành sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện quy hoạch để thống nhất trong quản lý và tạo điều kiện cho người dân. Toàn ngành tiếp tục chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân...
Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để bảo đảm tài chính y tế để tạo điều kiện các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế tăng cường chuyển đổi số để phục vụ người dân thuận tiện hơn; cố gắng trong chỉ đạo điều hành, xử lý dứt điểm các tồn đọng chậm trong cấp phép lưu hành thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, cấp phép hành nghề...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát động phong trào thi đua yêu nước ngành y tế với khẩu hiệu: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”. Bộ trưởng Y tế kêu gọi, động viên và đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y ý thức được tinh thần trách nhiệm “Tận tâm vì người bệnh, trách nhiệm với cộng đồng, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ngành Y tế chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ VIII năm 2025 và lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.