Ngành y tế tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão lũ

Cùng với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, ngành y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) vừa đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, vừa phòng, chống dịch bệnh trong và sau bão.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các phương án đảm bảo nguồn nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhân dân. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, Thành phố thành lập tổ y tế, xe cứu thương, đảm bảo trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Tĩnh Túc, TTYT huyện Nguyên Bình trong cấp cứu, ứng phó với thảm họa y tế, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Thiết lập bộ phận tiền trạm tại Trạm Y tế xã Vũ Nông, đảm bảo các điều kiện phục vụ, hậu cần, hỗ trợ... xử lý y tế ban đầu khi bệnh nhân chưa kịp thời chuyển đến TTYT huyện Nguyên Bình, Bệnh viện Tĩnh Túc hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. TTYT huyện Bảo Lạc chủ động bố trí nhân lực, phương tiện (xe ô tô cứu thương), thuốc, thiết bị, vật tư y tế..., có mặt tại Trạm Y tế xã Đình Phùng từ sáng 10/9/2024, đảm nhận công tác cấp cứu, chăm sóc cho người gặp nạn tại xã Đình Phùng.

Lực lượng y tế phun khử khuẩn môi trường tại điểm sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành (Nguyên Bình).

Lực lượng y tế phun khử khuẩn môi trường tại điểm sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành (Nguyên Bình).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cử nhân lực, đảm bảo thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác vệ sinh môi trường để hạn chế tối đa thiệt hại về người. Phối hợp với các đoàn công tác, đội đáp ứng nhanh của Sở Y tế thường xuyên ứng trực tại hiện trường các vụ sạt lở đất để tiến hành xử lý thi thể nạn nhân theo quy trình và phun khử khuẩn xử lý môi trường.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bế Thị Bạch, nhận định sau mùa mưa bão, lũ lụt, nguy cơ bùng phát dịch bệnh thường rất lớn. Do các vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn các dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường ruột, hô hấp và bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, các khu vực ở tạm, công tác đảm bảo vệ sinh khó khăn hơn do một số nơi chưa có nhà tiêu đảm bảo vệ sinh, thiếu thốn về nguồn nước sạch sinh hoạt dự trữ… Do đó, theo phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó”, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn TTYT các huyện, Thành phố đánh giá tổng thể các nguồn nước sinh hoạt, nước uống, các điểm bị ngập úng, sạt lở tại các xóm, xã, huyện, số nhà tạm, số lán trại để có các biện pháp xử lý hiệu quả đối với từng nhóm cụ thể. Xây dựng kế hoạch, thành lập các đội cơ động xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh; triển khai các hoạt động tập huấn về xử lý nước, xử lý môi trường do ảnh hưởng của mưa lũ, ngập úng cho viên chức TTYT các huyện, Thành phố; tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra. Thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh; tăng cường các biện pháp khử khuẩn, xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.

Để hỗ trợ, chia sẻ với ngành y tế tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, ngành y tế các tỉnh, Thành phố và một số tổ chức, đơn vị thiện tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện công tác xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, ngập úng và sạt lở đất. Số kinh phí và cơ số thuốc, hóa chất khử trùng, vật tư y tế và hàng hóa thiết y tế ngay khi tiếp nhận được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lên kế hoạch phân bổ theo thẩm quyền cho các địa phương, đơn vị sử dụng nhằm thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 26/9/2024, thực hiện phun khử trùng môi trường, phun hóa chất diệt côn trùng cho trên 27.000 hộ gia đình, trường học, nhà văn hóa, khu vực lán di dân và xử lý nguồn nước tại 42 hồ chứa nước, bể chứa nước tập trung và lu, vại, bể chứa nước của hơn 2.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Bảo Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nganh-y-te-tap-trung-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-lu-3172732.html
Zalo