Ngành y tế đạt nhiều thành tựu quan trọng
Ngày 24/12, tại hội nghị công tác y tế năm 2025 do Bộ Y tế tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu ngành y tế đã đạt được trong năm 2024.
Ngành y tế làm nhiều việc đáng tự hào
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, năm 2024, ngành y tế đã làm được nhiều việc đáng tự hào, đặc biệt là lĩnh vực khám, chữa bệnh (KCB).
“Nếu chọn trong năm 2024, thành tựu ngành y tế tự hào nhất là ca ghép cùng lúc hai tạng trên một người. Trước đây, chúng ta đã có 2 ca ghép rồi và đây là ca thứ 3 nhưng khó hơn vì ghép cùng lúc cả gan và tim.
Chúng tôi là người ngoài cuộc nhưng cảm thấy rất tự hào về những thành tựu của ngành y tế” - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị, ngành y tế tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả, công bằng, minh bạch và bền vững.
Trong đó, Bộ Y tế cần tập trung xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế đồng bộ với Luật KCB; tiếp tục xây dựng Luật Phòng bệnh, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm…
Mặt khác, Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án sắp xếp các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2023-2030; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, ngành y tế tiếp tục tập trung theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm để chủ động khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, nhất là bảo đảm độ bao phủ vaccine trên 90%...
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ KCB, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chuyển đổi số, bảo đảm mức sinh thay thế…
Dự kiến giảm 4 bệnh viện, chuyển giao về các bộ, ngành địa phương quản lý
Theo Bộ Y tế, năm 2024, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó vượt 2 chỉ tiêu là 14 bác sĩ/10.000 dân và 34 giường bệnh/10.000 dân.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã tập trung tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng, hoàn thiện thể chế. Để chất lượng và hiệu quả công tác KCB ngày càng được nâng cao, Bộ Y tế đã chỉ đạo, quán triệt quan điểm "lấy người bệnh làm trung tâm" để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người bệnh.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong lĩnh vực KCB, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng thành công; mở rộng KCB từ xa với việc kết nối BV tuyến trên với hơn 1.500 cơ sở KCB trên toàn quốc, chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ tuyến dưới.
Năm 2024 ghi dấu sự phát triển đặc biệt của hệ thống y tế tư nhân với 384 BV, chiếm 22,3% tổng số BV, góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân và buộc các BV công phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bộ Y tế đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế. Hiện toàn ngành đang triển khai trên toàn quốc 4 nền tảng dùng chung gồm: hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý tiêm chủng, hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, Trạm Y tế xã. Bộ Y tế đã có 6/6 hệ thống dịch vụ có dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 23.
Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số tại các BV, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và hỗ trợ điều trị từ xa trong KCB, thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm qua, ngành y tế triển khai áp dụng thành công các kỹ thuật cao trong KCB, đặc biệt là ghép tạng, ghép đa tạng, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn vướng mắc, chưa đồng bộ về BHYT, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế...
Mặt khác, một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao, nhất là sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023. Cụ thể, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 17/11, cả nước ghi nhận hơn 14.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 4 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc cao hơn 42 lần.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch, việc vượt tuyến KCB xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt, tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ vào một số thời điểm. Mặt khác, việc triển khai các quy định mới như các chính sách mua sắm đấu thầu, xây dựng giá... còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp các BV trực thuộc Bộ, dự kiến sắp xếp giảm 4 BV chuyển giao về các bộ, ngành địa phương quản lý. Cùng với đó là xây dựng danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế. Bộ cũng rà soát cơ cấu tổ chức của các tổ chức hành chính, kiện toàn, sắp xếp lại các tổ chức cấu thành bảo đảm các tiêu chí theo quy định...
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, năm 2025 sẽ tập trung, ưu tiên thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý lĩnh vực KCB.
“Bộ Y tế sẽ tập trung xây dựng, áp dụng các quy trình chuẩn (ISO), hoàn thiện thêm các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ngành tiếp tục đẩy nhanh số hóa hồ sơ, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết vấn đề theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian. Đồng thời. ngành đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền tối đa theo thẩm quyền của Bộ Y tế” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.