Ngành y tế cần tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị

Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị ngành y tế cần làm tốt hơn nữa trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh...

Tai buổi làm việc với Bộ Y tế chiều 9.4, Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao nhiều việc làm của ngành y tế suốt 70 năm qua đã làm lan tỏa mạnh mẽ cả về sứ mệnh của ngành y cũng như tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho ngành y tế.

Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế - Ảnh: BYT

Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế - Ảnh: BYT

"Tôi đi công tác nước ngoài, đến nhiều nước, các bạn luôn nhắc về các thầy thuốc "cây đa cây đề" của Việt Nam, đến chuyên ngành châm cứu của Việt Nam... cũng như nhiều thành tựu y tế khác. Chúng ta có quyền tự hào về những điều ấy”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa đề nghị ngành y tế cần làm tốt hơn nữa trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.

“Y tế dự phòng, y tế cơ sở phải là nền tảng để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất, xu hướng hướng tới là phòng bệnh từ sớm từ xa cho nhân dân; y tế phải gắn với dân số, gắn với thể thao...”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương cũng lưu ý ngành y tế trong thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy phải tổ chức hệ thống y tế đảm bảo lực lượng, nguồn lực phục vụ cho chăm sóc sức khỏe nhân dân; phải tìm đến nhân dân để nhân dân tin tưởng vào y tế cơ sở; quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ y tế, đặc biệt những người làm việc ở vùng khó khăn.

Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thời gian qua Bộ Y tế tập trung triển khai hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Các luật vừa được ban hành mang tính chất luật “xương sống” cho hoạt động của ngành như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

“Bộ Y tế đang tập trung triển khai xây dựng 8 - 9 dự luật mới cho giai đoạn 2026-2030 để thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về y tế”, bà Lan cho biết.

Người đứng đầu ngành y tế đánh giá trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, các lĩnh vực phòng bệnh, khám bệnh hay công tác dân số... ngành đã bám sát tinh thần chỉ đạo chung và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các kết quả về khám chữa bệnh, trong đó nổi bật là ứng dụng thành công công nghệ cao của nhiều bệnh viện đã càng minh chứng thêm cho quyết tâm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế, cho thấy quyết tâm nâng cao chất lượng y tế sau những khó khăn do COVID-19.

Bộ Y tế đã chủ động tham mưu các đề án, chương trình, kế hoạch mang tính chất dài hạn với Chính phủ, Quốc hội để tập trung phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó cụ thể hóa 12 chỉ đạo của Tổng Bí thư .

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết bộ đã thống nhất, báo cáo việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe và dân số trong tình hình mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu chương trình này được Quốc hội thông qua, nó sẽ bao gồm các nội dung cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như các định hướng chiến lược của ngành y tế, và sẽ được triển khai bằng các giải pháp chi tiết.

Ngành y tế cũng đang tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế, trong đó có quan tâm đến chế độ, chính sách để động viên cán bộ ngành y tế trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật...

Bộ trưởng Y tế cho rằng để y tế phát triển ổn định, việc đảm bảo thuốc men và thiết bị y tế rất quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ...Bộ Y tế tích cực triển khai thu hút và phát triển ngành dược trong nước, bao gồm sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và hợp tác quốc tế để học hỏi công nghệ mới.

Trước mắt ngành tập trung xây dựng Luật Dân số, Luật Phòng bệnh, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi… để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; tập trung chỉ đạo tinh gọn bộ máy, tăng cường năng lực của hệ thống khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh; tập trung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục tập trung tinh giản thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. “Hiện Bộ Y tế đã tinh giản gần 800 thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện kinh doanh trên tổng số 3.200 thủ tục hành chính của 14 bộ, ngành. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Y tế trong việc thực hiện thông thoáng các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp”, bà Lan cho biết.

Bình Thuận

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nganh-y-te-can-tang-cuong-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-chan-doan-dieu-tri-231374.html
Zalo