Ngành xuất bản có nhiều ấn phẩm giá trị, để lại dấu ấn
Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Phan Xuân Thủy khẳng định các nhà xuất bản tổ chức được nhiều ấn phẩm giá trị, chủ đề chuyên sâu; phục vụ hiệu quả các sự kiện chính trị của đất nước.
Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024. Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin gửi tới các đồng chí và gia đình lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc hội nghị thành công.
Các đồng chí đã nghe Báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá kết quả công tác trong năm qua của toàn ngành xuất bản, cũng như đề ra hệ thống các giải pháp và nhiệm vụ công tác trong năm 2024; nghe tham luận của các đại biểu. Các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm, góp phần làm sâu sắc thêm các đánh giá, tổng kết, đề xuất nhiều giải pháp, cách làm mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của toàn ngành. Tôi tin rằng, với nỗ lực, quyết tâm cao, cách làm đổi mới, sáng tạo, toàn ngành xuất bản sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả năm 2024.
1. Về kết quả, có thể khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn ngành xuất bản đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với xuất bản phẩm; công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, cụ thể:
Thứ nhất, công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản được tăng cường và có nhiều đổi mới. Kịp thời tham mưu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định quan trọng của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đổi mới tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản. Trong đó nổi bật là việc Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 100-QĐ/TW ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện Quy định 100-QĐ/TW đến cấp ủy cơ quan chủ quản nhà xuất bản, lãnh đạo nhà xuất bản; ban hành Hướng dẫn số 115-HD/BTGTW, ngày 15/9/2023 về việc thực hiện một số điều trong Quy định số 100-QĐ-TW.
Kết quả tạo sự thống nhất trong nhận thức, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả quy định của Đảng và pháp luật về xuất bản; cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản xuất bản phối hợp triển khai công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo nhà xuất bản đảm bảo đúng quy trình, quy định, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch; lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác xuất bản.
Công tác thể chế hóa, xây dựng, triển khai văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phát triển ngành được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm thực hiện như: rà soát, đánh giá về tình hình thi hành Luật Xuất bản; xây dựng báo cáo trình Chính phủ để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.
Bên cạnh đó, năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 và Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6, góp phần tạo ra động lực, khí thế mới cho toàn ngành xuất bản.
Thứ hai, công tác xây dựng, triển khai kế hoạch đề tài bám sát yêu cầu, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của đất nước. Các nhà xuất bản tổ chức được nhiều ấn phẩm giá trị có chủ đề chuyên sâu, gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, khẳng định vị thế, thương hiệu của nhà xuất bản; phục vụ hiệu quả các sự kiện chính trị của đất nước như: việc thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống và các nghị quyết Hội nghị Trung ương, các chỉ thị, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các ấn phẩm phục vụ các ngày lễ kỷ niệm như 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/2023 - 03/02/2023); 50 năm Ngày ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/01/2023)…; các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng, chấn hưng phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam; vấn đề gìn giữ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm, chú trọng xuất bản thông qua các ấn phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, được bạn đọc, dư luận đánh giá cao.
Trong năm qua, dấu ấn lớn nhất của ngành xuất bản là việc hoàn thành biên soạn, xuất bản một số sách phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các ấn phẩm của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới; Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc; Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật... Các nhà xuất bản xây dựng các tủ sách chuyên đề, các đầu sách, bộ sách có nội dung tốt, lượng phát hành lớn, khẳng định thương hiệu của nhà xuất bản, như: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Trẻ, Kim Đồng, Phụ nữ Việt Nam, Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Khoa học xã hội, ĐH Sư phạm…
Thứ ba,hiệu quả kinh tế ngành được duy trì, ổn định, có nhiều điểm sáng tích cực. Điều này, được thể hiện thông qua tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, tỷ lệ nộp ngân sách toàn ngành đều tăng, năm sau cao hơn năm trước; hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử là hoạt động nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của Ngành, thể hiện bằng sự phát triển số lượng các đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử và doanh thu sách nói trong năm vừa qua (có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử); doanh thu sách nói tăng trưởng cao (đạt khoảng 116,1 tỷ đồng).
Với số lượng các đơn vị phát hành điện tử ngày càng nhiều và sách nói có sự tăng trưởng vượt bậc, thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển bứt phá, bước đầu bắt nhịp được sự phát triển của thị trường sách điện tử của các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc.
2. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là chủ yếu, công tác xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Báo cáo, tham luận của các đại biểu đã nêu rất rõ, đã chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Đó là tình trạng yếu kém ở một số nhà xuất bản dẫn đến vẫn còn những xuất bản phẩm có chất lượng thấp, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải ban hành văn bản nhắc nhở, xử lý; vấn đề bất cập trong mô hình hoạt động của đơn vị xuất bản; tình trạng buông lỏng quy trình xuất bản sách liên kết; nguy cơ tụt hậu về công nghệ ở một số nhà xuất bản...
Có thể nói, những hạn chế, thách thức đều đã được nhận diện, đã được phản ánh nhiều lần, chỉ ra từ lâu, nhưng việc giải quyết, khắc phục vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Tôi đề nghị, với ý thức trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, mỗi cơ quan liên quan, nhà xuất bản, đơn vị phát hành cần nghiêm túc nhìn nhận và có các giải pháp khắc phục triệt để, hiệu quả trong thời gian tới.
Chúng ta đã bước sang nửa nhiệm kỳ tiếp theo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bắt đầu sớm cho công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng; tình hình chính trị, kinh tế, an ninh trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán. Để công tác xuất bản thực hiện được nhiệm vụ “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, tôi nêu mấy vấn đề để các đồng chí quan tâm triển khai thực hiện:
Một là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản.
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tiến hành tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, kịp thời tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành văn bản mới thay thế đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới. Rà soát việc triển khai thực hiện Quy định 100-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đánh giá, chuẩn hóa khung chương trình đào tạo xuất bản, trong đó chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho sinh viên chuyên ngành xuất bản.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trên cơ sở Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện báo cáo Chính phủ về Quy hoạch cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch ngành xuất bản, nghiên cứu, sắp xếp nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất bản, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với sự vận động của hoạt động xuất bản trong tình hình mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm; tăng cường quản lý hoạt động xuất bản điện tử.
Về phía tổ chức Hội, đề nghị Hội Xuất bản Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm tổ chức Hội trong xây dựng nền xuất bản lành mạnh; đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII xứng tầm là giải thưởng quốc gia danh giá và uy tín trong lĩnh vực văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản tiếp cận với ngành công nghiệp xuất bản hiện đại của quốc tế.
Hai là, các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2024, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, quản lý chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm.
Tập trung nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ: Nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các vấn đề trọng yếu, liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; xuất bản các ấn phẩm kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch; các xuất bản phẩm phục vụ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống. Đẩy mạnh xuất bản những ấn phẩm tuyên truyền về thông tin đối ngoại, an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ba là, cấp ủy, tổ chức Đảng các nhà xuất bản cần quan tâm, chú trọng tới công tác cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản về lý luận chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện đúng Quy định 100-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để chỉ đạo xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động của nhà xuất bản.
Bốn là, nhà xuất bản quan tâm, đổi mới phương thức hoạt động phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, coi chuyển đổi số là giải pháp đột phá; đóng góp hiệu quả vào việc đưa ngành xuất bản phát triển, hiện đại, theo kịp sự phát triển của thế giới.
Năm là, tích cực, chủ động triển khai và tham gia hiệu quả vào các hoạt động về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và Giải thưởng Sách Quốc gia hằng năm, góp phần lan tỏa, đưa các hoạt động trên thực sự trở thành sự kiện văn hóa nổi bật. Tăng cường mạng lưới phát hành sách ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền.