Ngành xây dựng 'nâng chất', tạo lợi thế cạnh tranh

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, chuyển đổi số không phải là mục tiêu, mà là công cụ để nâng cao năng suất, minh bạch và khả năng thích ứng của ngành xây dựng. Nếu Việt Nam muốn xây dựng hạ tầng tầm khu vực và toàn cầu, thì 'xây dựng số' cần đi song hành với 'xây dựng cứng'.

Công nghệ xây dựng thời kỳ mới

Ngày 24/4, tại hội thảo "Công nghệ mới, thiết bị tiên tiến hiện đại cho xây dựng giao thông và sản xuất vật liệu xây dựng" nằm trong khuôn khổ triễn lãm Contech Vietnam 2025, không chỉ là nơi gặp gỡ của giới kỹ thuật và doanh nghiệp xây dựng, mà còn cho thấy bức tranh toàn cảnh về công nghệ xây dựng giao thông thời kỳ mới. Từ vật liệu thông minh, giải pháp gia cố đất yếu đến chuyển đổi số, mang lại góc nhìn tổng thể và chiến lược về cách thức ngành xây dựng đang chuyển mình.

Trong bối cảnh khan hiếm cát tự nhiên và áp lực xử lý tro xỉ công nghiệp ngày càng gia tăng, PGS.TS Nguyễn Thanh Sang - Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng (Trường Đại học GTVT) đề xuất giải pháp tận dụng tro xỉ nhiệt điện và cát nhiễm mặn – hai nguồn vật liệu thải – để làm nền và móng đường giao thông.

PGS.TS Nguyễn Thanh Sang chia sẻ tại buổi hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thanh Sang chia sẻ tại buổi hội thảo.

Đây là bước đi mang tính "xanh hóa" ngành xây dựng khi hiện nay Việt Nam đang đứng trước hai áp lực lớn, đó là suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là cát xây dựng – thứ vốn chiếm 60 - 80% vật liệu đắp nền truyền thống và lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than lên tới hàng chục triệu tấn/năm, chưa được xử lý triệt để.

Vì vậy sử dụng các vật liệu rời không truyền thống (tro bay, cát nhiễm mặn, bụi) và gia cố chúng thành vật liệu nền đường chất lượng cao – từ đó hình thành một chu trình "xanh hóa" hạ tầng giao thông.

Có thể thấy, vật liệu rác nếu được xử lý đúng cách, có thể trở thành tài nguyên chiến lược. Giải pháp không thay thế hoàn toàn vật liệu truyền thống, nhưng tạo ra một nguồn cung bổ sung hiệu quả, đặc biệt tại các khu vực khó khăn về khai thác vật liệu.

Trong khi đó, thạc sĩ Lê Anh Đức - Công ty CP Sáng tạo và Chuyên giao Công nghệ Việt Nam đưa ra giải pháp cầu cạn nhịp lớn sử dụng bê tông siêu tính năng (UHPC) cho cao tốc. Trong làn sóng phát triển giao thông cao tốc, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có địa hình phức tạp, cầu cạn đang dần trở thành loại hình kết cấu ưu tiên.

Thạc sĩ Lê Anh Đức giới thiệu về cầu cạn nhịp lớn sử dụng bê tông siêu tính năng (UHPC) cho cao tốc.

Thạc sĩ Lê Anh Đức giới thiệu về cầu cạn nhịp lớn sử dụng bê tông siêu tính năng (UHPC) cho cao tốc.

Tuy nhiên, việc xây dựng cầu cạn dài nhịp lớn lại đặt ra hàng loạt yêu cầu kỹ thuật khắt khe, tải trọng lớn nhưng kết cấu phải gọn nhẹ để giảm áp lực lên móng; chiều dài nhịp lớn, giảm số lượng trụ để tiết kiệm diện tích mặt bằng, đặc biệt trong đô thị đông đúc và yêu cầu chống thấm, chịu mỏi và tuổi thọ cao, nhất là trong điều kiện thời tiết nhiệt đới khắc nghiệt của Việt Nam.

Theo thạc sĩ Lê Anh Đức, UHPC có khả năng giảm kích thước tiết diện, cho phép thiết kế nhịp lớn hơn và mỏng hơn mà vẫn đảm bảo an toàn kết cấu. Điều này đặc biệt quan trọng với cầu cạn – nơi khoảng không và thẩm mỹ là yếu tố then chốt.

Bên cạnh đó, UHPC không cần phổ biến đại trà, mà nên ứng dụng chiến lược ở những vị trí có yêu cầu đặc biệt như cầu cạn vượt sông, vượt đường sắt, cầu đô thị nơi mật độ dân cư cao, quỹ đất hạn chế, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường vành đai, đường cao tốc, metro.

"Hạ tầng cứng" - "nền tảng mềm"

Giám đốc Công ty 1CanNetworks (Chi nhánh Hà Nội) Lee Kwang Yeol cho biết, "hạ tầng cứng" cần được dẫn dắt bởi "nền tảng mềm" khi ngành xây dựng đang bị tụt lại phía sau so với các lĩnh vực khác trong cuộc cách mạng số.

Trong khi các ngành như sản xuất, logistics, tài chính… đã số hóa sâu rộng thì ngành xây dựng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các quy trình thủ công, rời rạc, thiếu kết nối dữ liệu. Theo thống kê của McKinsey, ngành xây dựng xếp áp chót về mức độ số hóa trong 22 ngành công nghiệp, năng suất lao động tăng chưa tới 1%/năm trong suốt 20 năm qua.

Khách hàng tham quan gian hàng tại triển lãm Contech Vietnam 2025.

Khách hàng tham quan gian hàng tại triển lãm Contech Vietnam 2025.

Trong khi đó, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ số đã đạt mức tăng trưởng năng suất hàng năm từ 3 - 4%. Ngoài ra, nhà cung cấp đã chuyển đổi số duy trì tỷ lệ giao dịch cao hơn gấp 2 - 3 lần so với các nhà cung cấp chưa áp dụng công nghệ số.

Đồng thời, ông Yeol cũng chia sẻ, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, các nhà cung cấp nguyên vật liệu không thể duy trì lợi thế cạnh tranh chỉ bằng việc "cung cấp" sản phẩm. Việc hỗ trợ nhanh chóng, nhập/xuất hàng chính xác, cung cấp thông tin dựa trên nền tảng số sẽ trở thành tiêu chí lựa chọn đối tác và là yếu tố then chốt tạo nên năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp nguyên vật liệu.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-xay-dung-nang-chat-tao-loi-the-canh-tranh.684797.html
Zalo