Ngành xa xỉ đối mặt suy thoái kéo dài đến 2027

Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và suy thoái kinh tế toàn cầu đang đẩy ngành hàng xa xỉ vào cuộc khủng hoảng, buộc các thương hiệu lớn phải tái cấu trúc để giữ vững giá trị.

 Ngành hàng xa xỉ đang chịu tác động lớn từ kinh tế toàn cầu và thay đổi thói quen tiêu dùng. Ảnh: SWNS.

Ngành hàng xa xỉ đang chịu tác động lớn từ kinh tế toàn cầu và thay đổi thói quen tiêu dùng. Ảnh: SWNS.

Kinh tế toàn cầu suy yếu và thói quen tiêu dùng thay đổi đang ảnh hưởng đến các tập đoàn lớn trong ngành như LVMH (sở hữu Dior, Louis Vuitton) và Kering (sở hữu Yves Saint Laurent, Gucci). Điều này dấy lên lo ngại về khả năng ngành thời trang cao cấp đang đối mặt với một giai đoạn suy thoái kéo dài hay chỉ là một biến động tạm thời, Fortune đưa tin.

Theo báo cáo thường niên State of Fashion do nền tảng truyền thông chuyên ngành thời trang The Business of Fashion và công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company phát hành, sự suy giảm trong ngành có thể kéo dài ít nhất 3 năm nữa.

Tốc độ tăng trưởng dự báo chỉ đạt 1-3% trong giai đoạn 2024-2027, khi đóng góp từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc và châu Âu ngày càng giảm. Ngược lại, các khu vực như Trung Đông và Ấn Độ dự kiến sẽ ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.

"Trong giai đoạn tăng trưởng trước đây, ngành hàng xa xỉ đã chứng kiến sự thay đổi lớn về cấu trúc và cách thức tiếp cận người tiêu dùng. Hiện nay, các thương hiệu cần điều chỉnh chiến lược để phục hồi sức hút, sự sáng tạo và tính độc đáo - những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị của các sản phẩm cao cấp", Rahul Malik, Giám đốc tăng trưởng kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược tại Business of Fashion, cho biết.

Báo cáo cũng cho thấy xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển từ các sản phẩm truyền thống như đồng hồ và trang phục sang các trải nghiệm cao cấp trong lĩnh vực sức khỏe và du lịch. Nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ đã giảm mạnh, chỉ 1/3 ngành hàng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, theo dữ liệu từ báo cáo của công ty tư vấn quản lý Bain & Company công bố vào tháng 11/2024.

Vấn đề bên trong ngành hàng xa xỉ

Một trong những khó khăn hiện nay của ngành hàng cao cấp là do chính các thương hiệu tạo ra. Khi nhu cầu tăng cao trong những năm qua, nhiều công ty đã mở rộng sản xuất và tăng giá, điều này vô tình làm giảm giá trị của những sản phẩm vốn được xem là độc đáo và xa xỉ.

 Các thương hiệu xa xỉ tìm cách tái cấu trúc chiến lược để khôi phục sự hấp dẫn và tính độc đáo trong bối cảnh tiêu dùng chuyển hướng. Ảnh: Reuters.

Các thương hiệu xa xỉ tìm cách tái cấu trúc chiến lược để khôi phục sự hấp dẫn và tính độc đáo trong bối cảnh tiêu dùng chuyển hướng. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, sự phát triển của ngành chủ yếu dựa vào việc tăng giá thay vì mở rộng sản xuất. Trong khi đổi mới sản phẩm không theo kịp mức giá cao, khiến các sản phẩm cao cấp dần mất sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng.

Theo báo cáo của State of Fashion, ngay cả nhóm người tiêu dùng chi tiêu nhiều nhất, chiếm 80% tổng chi tiêu của ngành, cũng bắt đầu cảm thấy không hài lòng với mức giá tăng cao.

Sự thay đổi này đã mở ra cơ hội cho các thương hiệu mới nổi và thương hiệu con của các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, Prada ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của Miu Miu. Cụ thể, trong quý III năm 2024, doanh thu của Prada tăng 18%, trong khi Miu Miu đạt mức tăng trưởng 105%. Điều này trái ngược rõ rệt với các tập đoàn lớn như LVMH, khi doanh thu của họ giảm trong cùng kỳ.

Ngành công nghiệp hàng cao cấp hiện đối mặt với nhiều thách thức. Các giám đốc điều hành trong ngành dự báo rằng năm 2025 sẽ là một năm khó khăn, với nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao gồm thuế quan từ Mỹ, sự phục hồi chậm của thị trường Trung Quốc và áp lực chi phí ngày càng gia tăng.

Malik nhận định rằng các giám đốc điều hành có cơ sở để lo ngại về năm 2025, khi năm này dự báo sẽ đối mặt với nhiều thử thách lớn hơn so với các năm trước. Ông cũng cho rằng các thương hiệu sẽ cần nỗ lực thuyết phục người tiêu dùng về giá trị thực sự của hàng cao cấp.

Ngành xa xỉ đối mặt với thay đổi thói quen tiêu dùng

Để thu hút lại sự quan tâm từ khách hàng, các thương hiệu cao cấp cần điều chỉnh chiến lược của mình. Người tiêu dùng hiện nay ngày càng chú trọng hơn đến các trải nghiệm du lịch và chăm sóc sức khỏe cao cấp thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm xa xỉ.

 Thị trường xa xỉ ghi nhận sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, với sự lên ngôi của các trải nghiệm và sản phẩm second-hand. Ảnh: Edward Wong.

Thị trường xa xỉ ghi nhận sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, với sự lên ngôi của các trải nghiệm và sản phẩm second-hand. Ảnh: Edward Wong.

Bên cạnh đó, nhóm khách hàng có thu nhập cao cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận về giá trị của hàng cao cấp, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn.

“'Quiet Luxury' đang dần chiếm lĩnh xu hướng khi chú trọng vào vẻ đẹp tinh tế, chất lượng thủ công cao và thiết kế vượt thời gian, thay vì chỉ phô trương logo hay thương hiệu”, Ida Palombella, đồng Trưởng bộ phận thời trang và hàng xa xỉ toàn cầu tại Deloitte - một trong bốn tập đoàn dịch vụ kế toán, kiểm toán đa quốc gia lớn nhất thế giới, bên cạnh EY, KPMG và PwC, chia sẻ.

Sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng hàng xa xỉ bắt đầu ưu tiên làm mới tủ đồ của mình với các phụ kiện như thắt lưng, trang sức và kính mát. Những sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người ưa chuộng.

Ngoài ra, các sản phẩm đã qua sử dụng (second-hand) với mức giá hợp lý trên các nền tảng thương mại điện tử cũng trở thành lựa chọn phổ biến để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thị trường hàng xa xỉ.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nganh-xa-xi-doi-mat-suy-thoai-keo-dai-den-2027-post1524828.html
Zalo