Ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm đến việc triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở

Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai luật một cách đồng bộ, sâu rộng và hiệu quả. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh đạt từ 85% trở lên, qua đó góp phần vào việc xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bảo đảm được tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo sự phân cấp và thực tiễn tại địa phương, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Cụ thể là Nghị quyết số 29/2014/NQ-HĐND, ngày 10/12/2014 của HĐND tỉnh về việc quy định mức chi bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Chỉ thị số 08/2015/CT-UBND, ngày 15/4/2015 của UBND tỉnh về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, để việc tổ chức triển khai được đồng bộ, thống nhất, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành; đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ban hành Kế hoạch liên tịch số 32/KHLT-UBND-UBMTTQ, ngày 27/12/2021 về việc phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương.

Tổ hòa giải tích cực triển khai, áp dụng Luật Hòa giải ở cơ sở vào công tác hòa giải ở cơ sở một cách hiệu quả. Ảnh: KIM NGỌC

Tổ hòa giải tích cực triển khai, áp dụng Luật Hòa giải ở cơ sở vào công tác hòa giải ở cơ sở một cách hiệu quả. Ảnh: KIM NGỌC

Sở Tư pháp Sóc Trăng hỗ trợ các địa phương tổ chức trên 160 hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở cho lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh với 30.280 đại biểu là tập huấn viên cấp tỉnh, tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở tham dự. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã biên soạn và cấp phát miễn phí 28.018 sổ tay hòa giải ở cơ sở và 9.056 hồ sơ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở; 17.670 tài liệu pháp luật, văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua cho đối tượng là tổ hòa giải và các hòa giải viên trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp còn xây dựng và đưa vào hoạt động Zalo Official Account “Phổ biến, giáo dục pháp luật Sóc Trăng”; Trang Facebook “Phổ biến, giáo dục pháp luật Sóc Trăng” nhằm tạo kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được nhanh chóng, kịp thời.

Đồng chí Bùi Thanh Hiền - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Ngãi Hội 1, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ: “Luật Hòa giải ở cơ sở ra đời đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc để hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả. Đối với Tổ hòa giải ấp Ngãi Hội 1, tôi và các thành viên tích cực triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, áp dụng luật vào công tác hòa giải. Nhờ đó mà hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành của ấp đạt từ 95 - 100%. Qua đó, có thể khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội hiện nay”.

Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 23/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND, ngày 1/11/2021 triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, một trong các nội dung của chỉ thị là chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải; phấn đấu hằng năm có trên 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn và tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên... Duy trì và nhân rộng mô hình bí thư chi bộ ấp, khóm đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải; phấn đấu đến năm 2025, có 100% bí thư chi bộ ấp, khóm được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải. Từ những nỗ lực tuyên truyền, nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên cơ sở, hằng năm tỷ lệ hòa giải trên địa bàn tỉnh đều đạt trên 85%.

Đồng chí Lê Thị Thúy Vi - Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng cho biết:

Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương triển khai công tác hòa giải ở cơ sở đồng bộ, hiệu quả. Qua hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả và dần đi vào nề nếp; nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh; kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đa dạng và đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải ở cơ sở để các cấp ủy, chính quyền nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở; quan tâm rà soát, củng cố và kiện toàn tổ hòa giải; xây dựng đội ngũ hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202411/nganh-tu-phap-tiep-tuc-quan-tam-en-viec-trien-khai-luat-hoa-giai-o-co-so-e087940/
Zalo