Ngành thủy sản chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai

Ngành thủy sản đóng góp gần một phần tư trong GDP nông nghiệp. Song, thế mạnh của Việt Nam trong ngành thủy sản có thể suy giảm nhanh chóng khi được cảnh báo là một trong 5 quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng xấu nhất bởi biến đổi khí hậu…

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu - Ảnh minh họa.

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu - Ảnh minh họa.

Là một quốc gia vùng nhiệt đới với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, nơi sinh sống của hơn 1.300 loài sinh vật biển, Việt Nam sở hữu tất cả lợi thế và tiềm năng để phát triển một ngành thủy sản trù phú.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 7.889,8 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,23 tỷ USD, tăng 13,9%; cá tra đạt 1,54 tỷ USD, tăng 8,7%.

Hiện, ngành thủy sản đóng góp gần một phần tư của GDP ngành nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới và sản lượng xuất khẩu thủy sản đứng thứ 4. Tuy nhiên, thế mạnh của Việt Nam trong ngành thủy sản có thể suy giảm nhanh chóng khi Việt Nam được cảnh báo là một trong năm quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng xấu nhất của biến đổi khí hậu .

Theo Liên Hợp Quốc, nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình trước đây. Nhiệt độ tăng đang làm ảnh hưởng tới chất lượng nước và sản lượng thủy sản. Bên cạnh đó, vấn đề về thiên tai đơn cử là tác động của cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã làm cuốn trôi nhiều lồng, bè nuôi thủy sản.

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hơn 1.500 lồng bè thủy sản bị cuốn trôi, trong đó Quảng Ninh chịu tổn thất lớn nhất với hơn 1.000 lồng bè hư hại, khiến ngư dân mất từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Cùng với khó khăn do biến đổi khí hậu và thiên tai, các chuyên gia nhận định ngành thủy sản đang gặp khó khăn do áp lực lớn về tăng giá thức ăn khiến chi phí sản xuất thủy sản tăng lên, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi và khó khăn cho việc duy trì sản xuất ổn định. Ngoài ra, chất lượng con giống cũng đang đòi hỏi ngành thủy sản cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa đảm bảo nguồn giống tốt cho phát triển thủy sản.

Bên cạnh đó, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tới nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong xu thế hướng tới phát triển xanh, an toàn và bền vững, yêu cầu chứng chỉ carbon cho sản phẩm thủy sản là một thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Theo Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), nhiều thị trường quốc tế đã bắt đầu đặt ra yêu cầu về chứng chỉ carbon cho sản phẩm thủy sản. VINAFIS dự báo, trong vòng 3- 5 năm tới, nếu ngành thủy sản không kịp thích ứng với các yêu cầu về môi trường, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi mở rộng và duy trì thị trường xuất khẩu.

Vừa qua, Ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã tham gia ký kết một thỏa thuận tài trợ tín dụng thương mại xanh. Đây khoản tín dụng xanh đầu tiên mà HSBC Việt Nam cấp cho Vĩnh Hoàn, đồng thời là khoản tín dụng xanh đầu tiên mà ngân hàng tài trợ trong lĩnh vực thủy sản. Hợp đồng được kỳ vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp khác trong ngành tích cực tham gia quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động của nó, bao gồm cả ngành thủy sản, là ưu tiên hàng đầu của HSBC tại Việt Nam. Trọng tâm chiến lược của chúng tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam có tầm nhìn và kế hoạch phát triển bền vững”.

Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO Công ty Vĩnh Hoàn, việc theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản suốt nhiều năm qua giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị, giảm thiểu chất thải và tạo ra giá trị từ các phụ phẩm.

Ngoài ra, công ty cũng đạt các chứng nhận quốc tế của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC CoC) và Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP). Đó là những yếu tố chính giúp Vĩnh Hoàn thành công nhận được khoản vay thương mại xanh.

Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC CoC) là một tổ chức cung cấp các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và phân loại áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng từ trang trại đến các sản phẩm được chứng nhận.

Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP) là chứng nhận dành cho toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản đầu cuối toàn diện nhất, công nhận mọi bước của chuỗi sản xuất và tuân thủ Tiêu chuẩn Nhà máy chế biến thủy sản (SPS) của Liên minh Thủy sản toàn cầu.

Vân Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-thuy-san-chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-va-thien-tai.htm
Zalo