Ngành thủy sản chủ động thích ứng vươn tới mốc 11 tỷ USD

Ngành thủy sản dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, với khả năng vươn tới mốc 11 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này cần vượt qua không ít thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội tiềm năng.

Nhiều dư địa để xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), bước sang năm 2025, ngành cá tra đứng trước cơ hội chinh phục những cột mốc mới, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Thỏa thuận song phương vào ngày 17/1/2025, chính thức dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với cá philê Việt Nam. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Hoa Kỳ đã được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá, mở ra triển vọng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Năm 2025, ngành cá tra đứng trước cơ hội chinh phục những cột mốc mới. Ảnh: Vasep

Năm 2025, ngành cá tra đứng trước cơ hội chinh phục những cột mốc mới. Ảnh: Vasep

Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP nhận định, năm 2025 sẽ là năm triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang các thị trường mục tiêu và tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Trung Đông.

Theo dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ổn định và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, mang lại cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thị trường nội địa và các nước xuất khẩu như Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại Mỹ khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và thuế quan. Công ty chứng khoán Rồng Việt cũng dự báo mức thuế nhập khẩu từ 60-100% áp lên thủy sản Trung Quốc sẽ tạo lợi thế lớn cho Việt Nam.

ASEAN được dự báo là khu vực dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2025, dù có sự cạnh tranh từ các quốc gia lớn. Đây vẫn là thị trường khả quan cho thủy sản Việt Nam, mặc dù có sự suy giảm của tầng lớp trung lưu tại Indonesia và khó khăn trong phục hồi kinh tế của Thái Lan. Ngoài ra, Trung Đông, dù chiếm ít hơn 4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng lại là một thị trường đầy triển vọng. Nhu cầu thủy sản ở các quốc gia như UAE, Ả Rập Saudi, Qatar và Kuwait đang gia tăng nhanh chóng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, tăng trưởng của ngành thủy sản còn nhiều dư địa. Đối với những đối tượng đã có lợi thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể..., cần nâng cao năng suất, giải quyết các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống, thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi…

Tập trung nâng cao chất lượng

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ở chiều ngược lại ngành thủy sản Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu và sự gia tăng cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất thủy sản lớn như Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador là những yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất và xuất khẩu. Ngoài ra, sự gia tăng chi phí thức ăn, nhiên liệu và vận chuyển cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dù kim ngạch xuất khẩu đã vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2024, nhưng vấn đề kháng sinh vẫn là một yếu tố tiềm ẩn có thể làm giảm giá trị thương hiệu, đồng thời gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác, đặc biệt là những thị trường khó tính như EU và Mỹ. Do đó, việc giám sát chặt chẽ dư lượng kháng sinh sẽ không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp bảo vệ danh tiếng của thủy sản Việt Nam.

Cùng quan điểm về vấn đề chất lượng sản phẩm, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, đặc biệt là giống tôm, là một trong những vấn đề trọng tâm của ngành trong năm 2025. Chất lượng giống đóng vai trò quyết định trong năng suất và chất lượng sản phẩm đầu ra, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Các thị trường xuất khẩu hiện nay yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, và sự nâng cao chất lượng giống chính là bước đi cần thiết để đảm bảo rằng sản phẩm thủy sản Việt Nam đáp ứng được yêu cầu khắt khe này”- ông Luân cho biết.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-thuy-san-chu-dong-thich-ung-vuon-toi-moc-11-ty-usd-10299341.html
Zalo