Ngành Thông tin và Truyền thông: Phát huy vai trò ''thuyền trưởng''

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện 'Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030', Lâm Đồng được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều bứt phá và lần đầu tiên nằm trong Top tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về Chỉ số xếp hạng mà 'thuyền trưởng' là Sở Thông tin và Truyền thông trong hành trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số Lâm Đồng đạt nhiều thành tựu nổi bật

Chuyển đổi số Lâm Đồng đạt nhiều thành tựu nổi bật

TỪ NHỮNG ĐỔI MỚI ĐẾN NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT

Toàn tỉnh hiện có 14 Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đang được vận hành, khai thác; đồng thời, tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các cơ sở dữ liệu để triển khai kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở của tỉnh.

Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025 (Công trình trọng điểm của tỉnh) đã đạt được một số kết quả tích cực. Trung tâm IOC TP Đà Lạt được đưa vào vận hành từ năm 2019, đã cung cấp thông tin các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn thành phố, được tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực, đảm bảo tính chân thật, chính xác, minh bạch. Đề án đã tích hợp toàn bộ các ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, du lịch Đà Lạt, quy hoạch phát triển đô thị; phục vụ công tác theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo đối với văn phòng điện tử, một cửa điện tử và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự đô thị, văn hóa, thông tin. Hệ thống đã kết nối 37 camera quan sát tầm cao, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng, trật tự đô thị,... Đặc biệt, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - Igov Connect năm 2019 đã phát huy được tính tích cực, hiệu quả; các ý kiến, phản ánh của người dân đều được các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý và phản hồi; góp phần gắn kết, gần gũi giữa người dân và chính quyền trong quá trình thực hiện đề án.

Nền tảng số đã triển khai, duy trì hoạt động có hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã kết nối với 17/17 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng tỉnh Lâm Đồng và nền tảng họp trực tuyến được duy trì, vận hành ổn định, kết nối 175 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh và trục liên thông văn bản...

Dữ liệu số đã thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; dữ liệu hộ tịch, đất đai, người lao động, hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo hiểm, giáo dục, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chi trả an sinh xã hội đạt một số kết quả tích cực.

Hoạt động chuyển đổi số luôn được gắn kết chặt chẽ với triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật. Hình thành tổ công nghệ số cộng đồng và công tác đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, 142/142 xã, phường, thị trấn đều có tổ công nghệ số cộng đồng với 2.538 thành viên (đạt 100%) và 1.367 tổ công nghệ số cộng đồng của các thôn, tổ dân phố với 9.088 thành viên...

Hạ tầng viễn thông đang có những bước chuyển dịch quan trọng sang hạ tầng số, nâng cao chất lượng thu phát sóng thông tin di động, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng băng rộng di động (3G/4G/5G); mạng cáp quang băng rộng cố định phủ đến 100% trung tâm cấp xã. Toàn tỉnh hiện có 1.730 trạm thu phát sóng di động, trong đó trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai được 97 trạm 5G, với tốc độ tải xuống dịch vụ truy nhập internet 5G trung bình tối thiểu 200 Mbit/s. Toàn tỉnh hiện có 1.556.993 thuê bao internet, 1.884.054 thuê bao điện thoại...

Công tác tổ chức phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng được tăng cường; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng, qua đó giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an toàn cho cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước, từ cấp tỉnh đến cấp xã.

PHÁT HUY VAI TRÒ “THUYỀN TRƯỞNG”

Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh, do đó, trách nhiệm của người đứng đầu Sở càng phải cao hơn, luôn coi chuyển đổi số là công việc hàng ngày, thông qua việc dùng các công cụ số để phát hiện ra các nhu cầu về đổi mới và liên tục đặt ra các yêu cầu mới cho chuyển đổi số của tỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng ông Hoàng Văn Bằng cho biết: Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Tiếp tục hành trình, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

Năm 2025, sở tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Triển khai Kênh giao tiếp số (App công dân số) kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trên các hình thức đa dạng, tiện lợi (ứng dụng di động, cổng thông tin điện tử, tổng đài, mạng xã hội,...). Hoàn thành việc kết nối vào Hệ thống thông tin nguồn giữa tỉnh và Trung ương, phấn đấu về đích sớm nhiệm vụ phát triển thông tin cơ sở...

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, nhu cầu của Nhân dân, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông phục vụ chuyển đổi số. Triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2025...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất trên các lĩnh vực: Bưu chính - viễn thông, phát hành xuất bản phẩm, in ấn và việc cung cấp các sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông; hoạt động báo chí, xuất bản, lợi dụng danh nghĩa báo chí, giả danh nhà báo, thông tin xấu độc trên mạng xã hội; thuê bao di động trả trước; tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác,... Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết đúng pháp luật các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật chuyên ngành; từng bước đưa các hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, thông tin đi vào nền nếp và ngày càng phát triển.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/nganh-thong-tin-va-truyen-thong-phat-huy-vai-tro-thuyen-truong-33e32d3/
Zalo