Ngành thép trước thềm 2025: Còn dư địa tăng trưởng?

Những thông tin tích cực từ thị trường thép, động lực từ đầu tư công và các dự án giao thông trọng điểm, đang trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho ngành thép trong thời gian tới.

Ngành thép vẫn "gặp khó" năm 2024

Trong năm 2024, ngành thép đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ về kết quả kinh doanh, với các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), và Thép Nam Kim (NKG) đồng loạt công bố những con số khả quan.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này trên sàn chứng khoán lại không có nhiều biến động tích cực. Theo thống kê, HPG là doanh nghiệp duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng 8,2% trong năm 2024, trong khi HSG và NKG lần lượt giảm 14,45% và 20,28%.

Giới phân tích cho rằng kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp thép phần lớn đến từ mức nền thấp trong năm 2023. Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào các chỉ số tài chính, có thể thấy rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của cả ba doanh nghiệp này đều giảm trong quý III/2024, chủ yếu do ảnh hưởng từ giá nguyên vật liệu đầu vào cao.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát trong quý III/2024 đạt 12%, thấp hơn so với quý II (12,7%); của NKG là 8,71%, giảm so với các mức lần lượt là 9% và 10,7% trong quý II và quý I; trong khi tỷ suất của HSG đạt 8,39%, là mức thấp nhất kể từ quý I/2023.

Tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong quý III/2024 có sự giảm tốc rõ rệt. Ảnh: HPG.

Tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát trong quý III/2024 có sự giảm tốc rõ rệt. Ảnh: HPG.

Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu của HPG và HSG trong quý III cũng có sự giảm tốc. Cụ thể, doanh thu của Hòa Phát tăng 16,6%, thấp hơn so với quý IV/2023 (37,1%) và quý II/2024 (36%), dù nhỉnh hơn một chút so với quý I (16,5%). Doanh thu của HSG tăng 21,7%, thấp hơn mức tăng trưởng lần lượt là 25,4% và 32,5% của quý II và quý I. Đặc biệt, NKG lại có sự khác biệt khi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 21,7% trong quý III/2024, là mức cao nhất trong vòng 10 quý qua.

Ngoài kết quả kinh doanh, cổ phiếu thép còn chịu tác động tiêu cực khi nhận được thông tin không thuận lợi từ Ủy ban châu Âu và Tổng vụ Phòng vệ Thương mại Ấn Độ, khi các cơ quan này thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.

Theo Chứng khoán Shinhan Việt Nam, một yếu tố rủi ro khác đối với cổ phiếu thép đến từ sự tràn ngập của thép Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, đe dọa sự phục hồi của các doanh nghiệp thép trong nước.

Do nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc suy giảm mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường bất động sản yếu kém, nguồn cung thép của quốc gia này vẫn duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên các doanh nghiệp thép Trung Quốc.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp này đã gia tăng xuất khẩu, đồng thời phải đối mặt với áp lực gia tăng từ việc Mỹ và EU nâng cao mức thuế đối với thép Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp thép Trung Quốc cũng phải tìm cách chuyển hướng sang các thị trường khác như một giải pháp thay thế.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) về Việt Nam trong tháng 9/2024 đạt 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với tháng 8 và bằng 220% sản lượng sản xuất trong nước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC tăng 26% so với cùng kỳ 2023 và bằng 171% sản xuất trong nước. Trong tổng lượng nhập khẩu này lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 72%.

Động lực nào cho doanh nghiệp thép?

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiềm năng của ngành thép Việt Nam được thúc đẩy bởi triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Sự tăng trưởng của nguồn cung nhà ở và đầu tư công đã góp phần quan trọng vào sự hồi phục của ngành thép xây dựng.

Hơn nữa, kế hoạch giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi Chính phủ chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt với các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 29,1 tỷ USD. Các ngành liên quan, bao gồm sắt thép, vật liệu xây dựng, nhà thầu xây dựng, và các dịch vụ tài chính sẽ hưởng lợi lớn từ khối lượng công việc khổng lồ.

Trong đó, sắt thép là nhóm ngành hưởng lợi rõ rệt nhất, do Chính phủ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước, và đây cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dự án. Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu Hòa Phát nhờ lợi thế từ thép HRC và Dung Quất 2, giúp công ty mở rộng năng lực sản xuất.

Ngành thép năm 2025 được dự báo tăng trưởng mạnh trong bối cảnh Chính phủ chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Tuệ.

Ngành thép năm 2025 được dự báo tăng trưởng mạnh trong bối cảnh Chính phủ chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Tuệ.

Đồng quan điểm, Chứng khoán VPBank cũng dự báo ngành thép sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong năm 2025, khi giá thép đã giao dịch ở mức thấp và sản lượng tiêu thụ sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước. Lợi nhuận toàn ngành dự báo tăng trưởng 44,1% so với cùng kỳ.

Sau đợt hồi phục mạnh vào cuối tháng 9/2024, giá thép xây dựng tại Việt Nam chỉ còn giảm khoảng 1%, trong khi giá HRC giảm 14%, so với đầu năm. Tương tự, giá thép xây dựng Trung Quốc chỉ giảm khoảng 7% từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, giá nguyên liệu như than coke và quặng sắt cũng đã điều chỉnh giảm mạnh. Tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 10, giá quặng sắt giảm 28%, trong khi giá than coke giảm 37,6%, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc vẫn yếu.

Tương tự, các chuyên gia tại Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành thép trong giai đoạn 2025-2027 khá tích cực, nhờ nhu cầu nội địa phục hồi từ nửa cuối năm 2024, sự đi vào hoạt động của các nhà máy mới, và bắt đầu chu kỳ giá thép mới khi thị trường bất động sản Trung Quốc dần hồi phục từ năm 2025.

Trong trung và dài hạn, KBSV kỳ vọng rằng Luật Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 1/8/2024 sẽ gián tiếp kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước. Dựa trên đó, sản lượng tiêu thụ thép toàn ngành dự báo tăng 15% và 8% trong các năm 2024 và 2025 so với cùng kỳ.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nganh-thep-truoc-them-2025-con-du-dia-tang-truong-192241231104559916.htm
Zalo