Ngành than tạo đà cho năm 2024
Trữ lượng than đá tại Việt Nam có khoảng 50 tỷ tấn. Quảng Ninh là mỏ than quan trọng bậc nhất tại Việt Nam.
Trong 11 tháng, xuất khẩu than thu về 211,3 triệu USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than của Việt Nam trong tháng 11 đạt 141.216 tấn, tương đương 35,3 triệu USD, tăng 44,2% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với tháng trước. So với tháng 11/2022, xuất khẩu than tháng này tăng 60,5% về lượng và tăng 9,3% về giá trị.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 673.658 tấn, tương đương 211,3 triệu USD, giảm 41,2% về lượng và giảm 46,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý trong tháng 5/2023, giá than xuất khẩu đã lập đỉnh trong giai đoạn 2020 đến nay với 419 USD/tấn. Tuy nhiên giá mặt hàng này lại liên tiếp lao dốc, chỉ đạt 250 USD/tấn vào tháng 11, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Bình quân 11 tháng năm 2023, giá than xuất khẩu ở mức 313,6 USD/tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam, chiếm 50,4% về lượng và 49% về kim ngạch trong tổng lượng xuất khẩu 11 tháng năm 2023. Đứng phía sau lần lượt là Nam Phi và Hà Lan.
Xuất khẩu than sang các thị trường chính vẫn chứng kiến mức giảm sâu, tuy nhiên, Philippines lại đang đẩy mạnh mua mặt hàng này của Việt Nam trong những tháng qua.
Cụ thể, xuất khẩu than vào thị trường này trong 11 đạt 27,5 nghìn tấn, kim ngạch đạt 6,2 triệu USD. Trong khi đó, tháng 11 năm 2022, quốc gia này không thực hiện hoạt động nhập khẩu.
Tính chung 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippine 55.219 tấn than các loại, tương đương 12,6 triệu USD, tăng đột biến 27.500% về lượng và 15.400% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng nhập khẩu trong 11 tháng năm 2023 đã gấp 114 lần tổng lượng cả năm 2022.
Tỷ trọng xuất khẩu than các loại sang Philippines chỉ chiếm 8,2% về lượng và 6% về kim ngạch. Tuy nhiên đây là thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh nhất trong 11 tháng năm 2023.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu bình quân 11 tháng sang thị trường này chỉ đạt 229 USD/tấn, giảm mạnh 43,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, trữ lượng than đá tại Việt Nam có khoảng 50 tỷ tấn. Quảng Ninh là mỏ than quan trọng bậc nhất tại Việt Nam. Các mỏ than tại đây bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1839. Trữ lượng lên tới 8.7 tỷ tấn cùng vị trí sát biển thuận tiện cho việc vận chuyển than đến thị trường quốc tế đã giúp cho Quảng Ninh trở thành khu vực khai thác than hàng đầu cả nước.
Năm 2022, ngành than xuất khẩu được 1,2 triệu tấn, với trị giá 411 triệu USD; tuy nhiên lượng nhập khẩu về lên tới 31,9 triệu tấn, trị giá 7,16 tỷ USD. Nguyên nhân là than xuất khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất thép, trong khi trong khi nhu cầu trong nước là sản xuất nhiệt điện, thông tin trên Công Thương.
Cần đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lũy kế đến hết tháng 11 năm nay, sản lượng điện toàn hệ thống đạt trên 257 tỷ kWh, trong đó tỉ lệ huy động các nguồn điện như thủy điện chiếm gần 30%, nhiệt điện than chiếm gần 45,7%, năng lượng tái tạo là 13,5%, tua bin khí là gần 10%... Như vậy, nhiệt điện than và thủy điện vẫn đang là những nguồn điện chính để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Dự kiến cả năm nay, các nhà máy nhiệt điện trên cả nước tiêu thụ khoảng 70 triệu tấn than. Để đảm bảo đủ nguồn cung than cho sản xuất điện trong giai đoạn tới, nhiều giải pháp đang được ngành than tính tới.
Thông tin trên VTV hiện nay, Công ty CP Than Cao Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam đang nỗ lực đẩy cao nhịp độ sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu khai thác 3,5 triệu tấn than của cả năm 2023. Theo đại diện doanh nghiệp, năm 2024 để nâng công suất khai thác thêm 10% theo kế hoạch được giao sẽ là thách thức lớn.
Bộ Công Thương dự báo, năm 2024, trên cả nước sản lượng than cần đủ cho sản xuất điện ước khoảng trên 74 triệu tấn, như vậy để đảm bảo nguồn cung than cho sản xuất điện, việc tháo gỡ khó khăn, nâng sản lượng khai thác là yêu cầu đặt ra.
"Với công nghệ hiện nay, chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được từ 14 - 15 triệu, nhưng sản lượng hiện nay tập đoàn đang giao là trên 12 triệu tấn, do vậy năng lực vẫn đang dư thừa, đặc biệt là vấn đề công nghệ thì chúng tôi đáp ứng được tất cả các đơn hàng khó tính nhất trên thế giới", ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Công ty Tuyển Than Cửa Ông, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết.
"Ủy ban cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là với Cục Khoáng sản để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi nâng công suất khai thác than phục vụ phát triển kinh tế - xã hội" ông Hồ Công Trung, Phó Vụ trưởng Vụ năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho hay.
Nhằm đảm bảo đủ than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chuẩn bị nguồn than; đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy trong suốt thời gian tồn tại với giá than cạnh tranh và hiệu quả. Trong mọi trường hợp không được để đứt gãy nguồn cung ứng than và thiếu than cho sản xuất điện.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc là trên 306 tỷ kWh, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng.
Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương xác định, việc thực hiện các chương trình về quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là một giải pháp rất quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
Trúc Chi (t/h)