Ngành thẩm mỹ sẽ sớm thành thị trường tỷ USD

Hàng loạt cơ sở ra đời, tốc độ phát triển nhanh nhưng giá trị và uy tín lại suy giảm là nghịch lý đang diễn ra ở ngành thẩm mỹ của Việt Nam.

 Giảm mỡ không phẫu thuật có thể là phương pháp thẩm mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới. Ảnh: Duy Hiệu.

Giảm mỡ không phẫu thuật có thể là phương pháp thẩm mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ Mỹ (ASPS), năm 2022 có hơn 8,7 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn tối thiểu đã được thực hiện, tăng hơn 5 triệu ca so với năm 2019.

Chính sự quan tâm đến ngoại hình ở nhóm thanh thiếu niên ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu tăng đối với các phương pháp điều trị thẩm mỹ nội khoa trong những năm gần đây.

Một nhóm khách hàng quan trọng khác là những người độ tuổi từ 50 trở lên, phụ nữ trong độ tuổi này lựa chọn nhiều phương pháp tiêm chất làm đầy, tái tạo da và các công nghệ không xâm lấn khác giúp cải thiện ngoại hình và trẻ hóa.

Thông tin được TS.BS Lê Tôn Dũng, Chủ tịch Chi hội thẩm mỹ nội khoa Việt Nam (AMSV), chia sẻ tại Hội nghị khoa học quốc tế Thẩm mỹ nội khoa, diễn ra tại TP.HCM.

Thị trường tiềm năng

Theo báo cáo của Grand View Research, doanh số ngành thẩm mỹ toàn cầu dự đoán sẽ đạt 445,98 tỷ USD vào năm 2030. Thị trường các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân bao gồm cả mỹ phẩm, dự kiến sẽ đạt 937,13 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7,7% từ năm 2024 đến 2030. Riêng ngành thẩm mỹ nội khoa, có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên đến 15,4%.

"Từ những số liệu trên và nhìn về bức tranh tổng thể ngành thẩm mỹ Việt Nam, chúng ta thấy được tiềm năng to lớn của ngành này, đóng góp không nhỏ cho ngân sách quốc gia", bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ Dũng cho biết ngành thẩm mỹ nội khoa đang là xu hướng thế giới, với ưu điểm dễ sử dụng, mang lại hiệu quả điều trị nhanh và ít thời gian nghỉ dưỡng. Trong đó, giảm mỡ không phẫu thuật, được dự đoán sẽ ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trẻ hóa da bằng laser cũng ngày càng trở nên phổ biến, vì nó tiết kiệm chi phí, thời gian và đem lại hiệu quả cao. Phân khúc quy trình trẻ hóa da dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng nhanh thứ 2.

"Muốn đón đầu xu thế, những chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ phải bắt kịp, triển khai, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng công tác truyền thông... để giúp thị trường thẩm mỹ ngày càng lành mạnh, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

 Tiêm meso là một trong những phương pháp thẩm mỹ không xấm lấn được ưa chuộng. Ảnh: Khương Nguyễn.

Tiêm meso là một trong những phương pháp thẩm mỹ không xấm lấn được ưa chuộng. Ảnh: Khương Nguyễn.

Ngành phẫu thuật thẩm mỹ đang "rớt giá"

PGS.TS Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS), cho biết trong vòng 3 năm qua, số người hành nghề thẩm mỹ nội khoa tăng lên 10 lần, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ tăng 2 lần. Từ con số này, PGS Lê Hành dự báo ngành thẩm mỹ nội khoa ở Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai.

"Sự phát triển đồng bộ của phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ nội khoa, chăm sóc da và các phương pháp tập luyện, dinh dưỡng đã tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực làm đẹp và sức khỏe. Từ đó, giúp cho người dân đẹp và khỏe mạnh một cách toàn diện", PGS Lê Hành cho hay.

 PGS.TS Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC.

PGS.TS Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC.

Bên cạnh sự phát triển nhanh, lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp ở Việt Nam hiện nay còn nhiều vấn đề tồn đọng, cần được giải quyết triệt để. Theo PGS Lê Hành, số người hành nghề trong lĩnh vực làm đẹp tăng lên thì số người được hưởng thụ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an toàn đang được người dân quan tâm và đặt ra nhiều nghi vấn.

Nói đến an toàn toàn trong thẩm mỹ, chúng ta thường nghĩ đến việc không xảy ra biến chứng. Nhưng sự an toàn còn bao gồm việc sử dụng thủ thuật, phương pháp và kỹ thuật mổ phù hợp cho bệnh nhân. Bác sĩ phải sử dụng công nghệ và vật liệu tốt để đạt được hiệu quả cao nhất và bệnh nhân chi trả chi phí ít nhất, kết quả kéo dài nhất, không có biến chứng.

"Tính an toàn của ngành thẩm mỹ rất rộng, để đánh giá một ca phẫu thuật an toàn phải dựa vào tất cả yếu tố kể trên. Nếu phương pháp tốt, bác sĩ tốt và chỉ định phù hợp nhưng chi phí quá nhiều cũng không an toàn cho người bệnh", bác sĩ Hành chia sẻ.

Theo bác sĩ Hành, ngành thẩm mỹ ở Việt Nam đang đối mặt với một nghịch lý đáng buồn là không giữ được mức giá đúng với giá trị của ngành. Năm 2007, khi thành lập VSAPS, Ban Chấp hành đã đặt ra vấn đề phải giữ được giá của các thủ thuật, phẫu thuật, không để giá bị giảm sâu hoặc tăng cao.

Nhưng ở thời điểm này, ngành thẩm mỹ đang phát triển mạnh mẽ thì thị trường rơi vào tình trạng bị phá giá. Điều này gây hại đến uy tín, giá trị và sự phát triển của ngành làm đẹp.

"Ngày xưa tôi rất tự hào là bác sĩ thẩm mỹ, nhưng giờ đây sự tự hào đó đã giảm nhiều, vì giá của một cuộc phẫu thuật đang quá thấp. Ví dụ, lúc trước phẫu thuật làm đẹp một bên mắt sẽ có giá 25 triệu đồng, rồi giảm dần xuống 12 triệu đồng, bây giờ thậm chí chỉ còn 2-3 triệu đồng", PGS Hành nói.

Với một con số hạn chế như vậy, các cơ sở rất khó đảm bảo chất lượng của cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở, phẫu thuật viên bất chấp để "moi" tiền người dân, họ không ngần ngại quảng cáo rằng giá thấp nhưng kết quả vẫn tốt.

"Tôi mong rằng mỗi bác sĩ thẩm mỹ hãy nghĩ đến tương lai của ngành, nghĩ đến uy tín và vị trí của mình trong ngành này. Nên giữ cho mình một lượng thù lao xứng đáng với giá trị công việc mình đang làm", bác sĩ Hành bộc bạch.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nganh-tham-my-se-som-thanh-thi-truong-ty-usd-post1489734.html
Zalo