Ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Hà Nam Ninh.
Bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống Nhân dân.
Hệ thống pháp luật về tài chính-ngân sách ngày càng hoàn thiện. Năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án nhiệm vụ được giao. Ngay từ đầu năm, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước; rà soát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với quy mô dự kiến khoảng 191 nghìn tỷ đồng.
Trong năm, ngành Tài chính đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Đây là lần đầu tiên số thu ngân sách nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Công tác quản lý, điều hành giá thực hiện hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm tăng dưới 4%. Con số này thấp hơn so với nhiều nước, khu vực trên thế giới đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2025, ngành Tài chính quyết tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ, trong đó tập trung xây dựng, điều hành chính sách tài khóa hài hòa với chính sách tiền tệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với huy động các nguồn lực xã hội và đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2024. Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính cần nêu cao tinh thần quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ.
Trong đó cần sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng, thúc đẩy tư duy đột phá chiến lược, đổi mới sáng tạo để huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ, kiên quyết bãi bỏ các thủ tục rườm rà, cơ chế “xin-cho” gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, làm cản trở sự phát triển đổi mới, tiến bộ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chú trọng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Làm tốt công tác quản lý thu NSNN; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế…
Trước thềm năm mới, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chúc mừng tới toàn ngành và bày tỏ tin tưởng, trong năm 2025, ngành Tài chính sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.