Ngành rau quả Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030.
Xuất khẩu rau quả còn nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên cũng đối mặt với không ít thách thức cả về nội tại và thị trường. Dựa trên cơ sở tăng trưởng những năm vừa qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2030 tại Đại hội Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhiệm kỳ V (2024 -2029), tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 6/1.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Vinafruit nhiệm kỳ IV thông tin, giai đoạn 2020 - 2024 đối diện nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu rau quả từ năm 2020 đến 2022 liên tục giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Từ đầu năm 2023 thế giới cơ bản khống chế được dịch bệnh, xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và đạt tốc độ cao vào cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD so với gần 3,4 tỷ USD năm 2022 tăng 67%. Năm 2024, tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2023, xuất khẩu rau quả bứt tốc và về đích ngoạn mục với 7,2 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam được mở rộng và tăng trưởng mạnh nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi trong đó có các FTA quan trọng như CPTPP, RCEPT, EVFTA, UKVFTA, ACFTA... Ngành hàng rau quả Việt Nam đã vươn tới hơn 80 quốc gia và khu vực thế giới; trong đó, các thị trường xuất khẩu trọng điểm gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia,…
“Việt Nam đang hội nhập tốt vào kinh tế toàn cầu, nhà nước đã tích cực đàm phán và ký kết được 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu cho rau quả, đặc biệt là các hiệp định giữa Việt nam và Trung quốc trong việc cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho 12 mặt hàng trái cây của Việt nam trong đó có mặt hàng sầu riêng đã đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung quốc lên một mốc phát triển mới. Nhiều loại cây ăn quả chủ lực đã hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa; nhà vườn không ngừng nâng cao trình độ về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và thâm canh, nâng cao và có sự hợp tác chia sẻ lợi ích cùng nhau phát triển giữa các doanh nghiệp", ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo trong những năm tới thị trường xuất khẩu còn tiếp tục phát triển mở rộng với các khu vực chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Asean, Hoa Kỳ, Canada, EU. Bên cạnh đó là các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, UAE, Australia và New Zealand. Đây là dư địa lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong những năm tới.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, ngành cũng đối mặt với không ít thách thức từ biến đổi khí hậu, tình hình sâu bệnh gây hại, lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến tuổi thọ vườn trồng, năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm ngày càng nhiều, tinh vi hơn và có xu hướng tăng cao ở tất cả các thị trường.
Về chủ quan, mặc dù có sự cải thiện đáng kể về năng suất và chất lượng rau quả tại một số vùng sản xuất truyền thống, nhưng nhìn chung năng suất và chất lượng cây ăn quả nước ta còn chưa cao so với bình quân chung của khu vực và thế giới, thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghệ xử lý sau thu hoạch chậm thay đổi. Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp; thiếu chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng; chuỗi giá trị trái cây còn qua khâu trung gian làm giá thành tăng cao và dễ bị đứt gãy...