Ngành Quản lý tài sản Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, ngành quản lý tài sản đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực đáng chú ý. Sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp thượng lưu, trung lưu và nhóm nhà đầu tư cao cấp đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các mô hình quản lý tài sản chuyên nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.

Tìm đến chuyên gia Quản lý tài sản để tối ưu lợi nhuận

Theo báo cáo Knight Frank 2023, Việt Nam có 19,4 nghìn triệu phú USD, tăng 98% trong 10 năm qua, trong đó có 06 tỷ phú và 58 triệu phú sở hữu trên 100 triệu USD. Sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu và trung lưu thúc đẩy nhu cầu dịch vụ quản lý gia sản, khi các cá nhân và doanh nghiệp gia đình tập trung vào tối ưu hóa tài sản và lập kế hoạch tài chính dài hạn. McKinsey dự báo quy mô thị trường này sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm, với doanh thu tăng 23% hàng năm trong 03 năm tới.

Đến năm 2027, thị trường Quản lý gia sản Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 130 tỷ USD.

Đến năm 2027, thị trường Quản lý gia sản Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 130 tỷ USD.

Đối với loại tài sản thanh khoản cao (cổ phiếu và trái phiếu), tổng giá trị quản lý (AUM) tại Việt Nam đã tăng từ 95 nghìn tỷ đồng (4,5 tỷ USD) năm 2014 lên hơn 600 nghìn tỷ đồng (25 tỷ USD) năm 2023, tương đương 5,7% GDP (nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). So sánh tỷ lệ này với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia (30-40% GDP) hay các nước phát triển như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc (60-67% GDP), Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Tốc độ tăng tổng tài sản quản lý (AUM) tại Việt Nam đã tăng mạnh trong chu kỳ 10 năm qua.

Tốc độ tăng tổng tài sản quản lý (AUM) tại Việt Nam đã tăng mạnh trong chu kỳ 10 năm qua.

Ông Trần Vinh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), nhận định: “Tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh mẽ cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là động lực thúc đẩy ngành quản lý tài sản phát triển vượt bậc trong thập kỷ tới”.

Bên cạnh đó, sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm dành cho đầu tư từ nhóm nhà đầu tư trung bình, đạt mức 10-12% mỗi năm, đang mở rộng cơ hội cho thị trường. Những yếu tố này tạo nền tảng vững chắc để các công ty quản lý tài sản tại Việt Nam phát triển các giải pháp tài chính toàn diện, đáp ứng nhu cầu khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả thị trường khu vực và quốc tế.

Xu hướng tăng trưởng ngành Quản lý tài sản Việt Nam

Thị trường tài chính mở rộng nhanh chóng, ngành quản lý tài sản tại Việt Nam thu hút nhiều đối tượng tham gia, từ ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đến công ty bảo hiểm. Sự cạnh tranh gia tăng áp lực nhưng cũng mở ra cơ hội cho các chiến lược đa dạng. Ngân hàng phát triển dịch vụ quản lý tài sản qua hợp tác với công ty chứng khoán và quản lý quỹ. Công ty bảo hiểm ưu tiên tài sản rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ và tiền gửi kỳ hạn. Các công ty quản lý quỹ chuyên biệt như TVAM, ngoài các quỹ đầu tư cổ phiếu, cũng đẩy mạnh các quỹ đầu tư vào các sản phẩm có thu nhập cố định có rủi ro thấp như trái phiếu ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi ngân hàng.

Xu hướng ủy thác đang trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu, với TVAM ghi nhận doanh thu ủy thác tăng 431% trong quý III/2024, đạt hơn 13 tỷ đồng, chiếm 90% doanh thu. Các đơn vị khác trong top 05 đầu ngành cũng hưởng lợi từ sự tăng trưởng đột biến này.

Theo KPMG, ngành quản lý tài sản tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với 03 xu hướng chủ yếu: Cá nhân hóa dịch vụ giúp gia tăng sự gắn kết và giá trị dài hạn; tiếp đến, công nghệ AI và Big Data ứng dụng mạnh mẽ trong WealthTech giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng và cuối cùng, mở rộng kênh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Những xu hướng này nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới và ứng dụng công nghệ trong việc đáp ứng nhu cầu đa màu sắc của khách hàng.

Hiệu quả vượt trội của Quản lý Quỹ Thiên Việt

Công ty CP Quản lý Quỹ Thiên Việt (Thien Viet Asset Management - TVAM), mặc dù không liên kết với các ngân hàng hay tập đoàn bảo hiểm nhưng đã khẳng định vị thế nhờ chiến lược đầu tư hiệu quả và linh hoạt. Danh mục đầu tư của TVAM được quản lý đa dạng từ chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng đến trái phiếu ngân hàng, cổ phiếu mang đến tỷ suất sinh lời hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro khác nhau.

Tổng tài sản quản lý đạt 11.260 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) là 54,2% trong giai đoạn từ 2020 đến 2024.

Tổng tài sản quản lý đạt 11.260 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) là 54,2% trong giai đoạn từ 2020 đến 2024.

Trong mảng quản lý quỹ, Thien Viet Asset Management bắt đầu thành lập quỹ đóng từ năm 2016 và đã quản lý thành công 02 quỹ đóng TVGF và TVGF2 trong giai đoạn 2016-2022 với tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt 21%/năm, cao hơn chỉ số VNIndex (16%/năm). Hiện nay, TVAM đang quản lý 03 quỹ đóng với tổng tài sản đạt gần 600 tỷ đồng và các danh mục ủy thác đầu tư hơn 1000 tỷ đồng, đồng thời chuẩn bị ra mắt sản phẩm quỹ mở trong 06 tháng tới. Chiến lược của TVAM là tập trung đầu tư các doanh nghiệp đầu ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá ở mức hợp lý.

Tỷ suất lợi nhuận của quỹ đóng TVGF so với VNIndex

Tỷ suất lợi nhuận của quỹ đóng TVGF so với VNIndex

Theo Tổng giám đốc TVAM, quy mô vừa phải giúp quỹ linh hoạt hơn trong việc đầu tư vào các công ty vốn hóa trung bình – những cơ hội mà các quỹ lớn thường bỏ qua do hạn chế thanh khoản. Đồng thời, cấu trúc tinh gọn và ứng dụng công nghệ hiện đại như AI và Big Data cho phép TVAM đưa ra các quyết định nhanh chóng, nắm bắt cơ hội trong một thị trường năng động như Việt Nam. Hướng tới sự cá nhân hóa trong các giải pháp quản lý tài sản, TVAM cũng không ngừng học hỏi từ các công ty quản lý quỹ quốc tế về cách ứng dụng công nghệ và tối ưu hóa chi phí, mang lại lợi ích dài hạn cho khách hàng.

Ngành quản lý tài sản tại châu Á đang phát triển nhanh chóng, tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Khách hàng trong nước ưu tiên các giải pháp tài chính bền vững, rủi ro hợp lý và hiểu biết sâu sắc về thị trường. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp cải tiến, số hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao. Tương lai ngành quản lý tài sản tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự sáng tạo và đổi mới liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng.

Hoàng Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-quan-ly-tai-san-viet-nam-con-nhieu-du-dia-tang-truong-post361067.html
Zalo