Ngành quản lý tài nguyên và môi trường: Hấp dẫn không chỉ ở cơ hội việc làm

Các vấn đề về quản lý tài nguyên, môi trường luôn đặt ra nhiều thách thức cho bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.

Khi thế giới có nhiều biến động về môi trường thì đây là ngành học được đánh giá là triển vọng về cơ hội việc làm, thu nhập cũng như mở rộng tầm hiểu biết. Năm 2024, quản lý tài nguyên và môi trường là một trong những ngành học hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh.

Định vị ngành học

Ngành quản lý tài nguyên và môi trường cung cấp kiến thức, kỹ năng để thực hiện vai trò hoạch định chính sách và đưa ra các biện pháp tổng hợp thông qua luật pháp, kinh tế, xã hội, kỹ thuật về khai thác, sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên, xử lý chất thải, quy hoạch nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường để hướng đến phát triển bền vững. Các vấn đề như trái đất nóng lên, phá rừng, xói mòn đất, năng lượng sạch hoặc bãi chôn lấp rác là những chủ đề nóng được đào sâu trong ngành học này.

Theo học ngành quản lý tài nguyên và môi trường, sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng, áp dụng tri thức toán, khoa học tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; phân tích ảnh hưởng của chính sách, pháp luật trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; đánh giá công tác quản lý tài nguyên, môi trường để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên và môi trường đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu.

Bên cạnh kỹ năng mềm (kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…), sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin phục vụ việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường; thực hiện thành thạo các nghiệp vụ hành chính, pháp lý liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

Sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong một tiết thực hành. Ảnh: Nam Du

Sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong một tiết thực hành. Ảnh: Nam Du

Sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo để có đủ phẩm chất và kỹ năng chuyên môn để có thể đảm nhận được công việc trong ngành tài nguyên và môi trường; quản lý được tình hình tài nguyên và môi trường tại khu vực mình làm việc; có đủ kiến thức về khoa học tự nhiên và xã hội, sinh học để có thể giải quyết các vấn đề chung trong quản lý tài nguyên và môi trường.

Các cơ sở đào tạo, trường đại học thường dành trung bình 20 - 40% chương trình đào tạo cho thực hành cho các môn học như: phân tích vi sinh; mô hình hóa môi trường; xử lý nước - chất rắn; đi khảo sát thực địa; liên kết, hợp tác và trao đổi với các trường đại học ở những nước tiên tiến về quản lý tài nguyên và môi trường.

Các chuyên gia đào tạo đánh giá, quản lý tài nguyên và môi trường là một ngành khá đặc thù, bởi vậy khi bắt đầu lựa chọn ngành, người học cần xuất phát từ sở thích cá nhân cũng như có quá trình tìm hiểu về ngành học từ trước.

Bên cạnh những kiến thức về lý thuyết và chuyên môn, sinh viên cần chủ động trong quá trình học tập để có những mục tiêu trong tương lai. Nếu muốn theo đuổi ngành quản lý tài nguyên và môi trường, người học cần có ý thức bảo vệ môi trường và các yêu cầu chuyên sâu khác, như: kỹ năng phân tích, kỹ năng quản lý dự án, kiến thức liên ngành, tư duy bền vững.

Hiện có nhiều cơ sở đại học uy tín của Hà Nội và cả nước có đào tạo các ngành học về môi trường nói chung và quản lý tài nguyên - môi trường nói riêng như: ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông Lâm - Thái Nguyên, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội… Sinh viên định hướng ngành này thường đăng ký nguyện vọng với các tổ hợp: A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh), B00 (Toán - Hóa - Sinh), D07 (Toán - Hóa - Anh). Ngoài ra, đây là ngành học phổ biến trên thế giới nên việc du học, theo học các chương trình liên kết nước ngoài rất thuận lợi.

Cơ hội việc làm đa dạng

Khi ngày càng nhiều DN, chính quyền địa phương và tổ chức tìm kiếm những người có kiến thức chuyên môn về quản lý tài nguyên và môi trường thì sinh viên tốt nghiệp ngành này càng có vai trò quan trọng và được “săn đón”.

Hiện có 6 định hướng nghề nghiệp phổ biến cho sinh viên tốt nghiệp ngành tài nguyên và môi trường, bao gồm: công nghệ môi trường (tập trung vào hướng nghiên cứu); kỹ thuật môi trường (nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề môi trường); quản lý môi trường (quản lý, lập kế hoạch quản lý môi trường); quản lý tài nguyên rừng (hệ sinh thái rừng, kỹ thuật và công nghệ trong quản lý, kiểm tra, đánh giá tài nguyên rừng và môi trường); quản lý môi trường và du lịch sinh thái (sinh học bảo tồn, cảnh quan địa lý du lịch); khoa học môi trường (đánh giá, phân tích, phát hiện, dự báo những vấn đề môi trường).

Sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý tài nguyên và môi trường có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, như: cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước về quản lý tài nguyên và môi trường từ T.Ư đến địa phương; giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng; nhân viên trong các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các đơn vị tư vấn, DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên và môi trường, trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch rừng, quy hoạch môi trường; cán bộ nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các đề tài vào thực tiễn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường…

Một điều đáng lưu ý, ngành quản lý tài nguyên và môi trường sử dụng nhiều kỹ năng về ngoại ngữ. Thông thường, các trường đại học sẽ ký kết hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới, mở ra hàng nghìn cơ hội giao lưu sinh viên quốc tế mỗi năm.

Sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý tài nguyên và môi trường có thể tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài về các lĩnh vực như: Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Biến đổi khí hậu và Sử dụng đất, Quy hoạch môi trường…

Chia sẻ về bí quyết học tốt ngành này, học viên cao học Nguyễn Thu Trang - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Mỗi sinh viên nên tích cực tham gia hoạt động tại các phòng thí nghiệm cũng như tập trung vào một hướng nghiên cứu riêng mà mình thích. Ngoài ra, nên chủ động trau dồi kỹ năng tin học, ngoại ngữ để gia tăng cơ hội về học tập cũng như việc làm sau này”.

Đảng và Nhà nước ta khẳng định, quản lý tài nguyên môi trường là bộ phận không thể thiếu trong bức tranh phát triển bền vững của Việt Nam. Các DN, tổ chức trong và ngoài nước cũng phát triển các bộ phận chuyên trách về môi trường để bảo đảm sự phát triển lâu bền của mình. Chính bởi vậy, cơ hội việc làm cho ngành này rất rộng mở và chờ đón những ứng viên có đủ trách nhiệm, đam mê và kiến thức.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nganh-quan-ly-tai-nguyen-va-moi-truong-hap-dan-khong-chi-o-co-hoi-viec-lam.html
Zalo