Ngành ô tô 'nín thở' trước nguy cơ EU cấm cửa sợi carbon

Ngành ô tô toàn cầu đang đối mặt với một mối đe dọa từ Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ cấm sử dụng sợi carbon trong sản xuất xe hơi.

Quyết định này, xuất phát từ lo ngại về tính chất nguy hiểm của vật liệu siêu nhẹ và siêu cứng này khi thải bỏ, đang làm dấy lên làn sóng lo lắng trong toàn ngành công nghiệp ô tô.

 Ngành ô tô toàn cầu đang đối mặt với một mối đe dọa từ Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ cấm sử dụng sợi carbon trong sản xuất xe hơi. Ảnh: Carscoops.

Ngành ô tô toàn cầu đang đối mặt với một mối đe dọa từ Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ cấm sử dụng sợi carbon trong sản xuất xe hơi. Ảnh: Carscoops.

Từ lâu, EU đã xếp chì, thủy ngân, cadmium và crom hóa trị sáu vào danh sách các chất độc hại, song vẫn cho phép ngành ô tô sử dụng dưới các điều kiện miễn trừ đặc biệt. Giờ đây, sợi carbon có nguy cơ trở thành vật liệu tiếp theo bị "khai tử" khỏi thị trường ô tô châu Âu.

Theo dự thảo sửa đổi Chỉ thị về Xe hết niên hạn sử dụng (ELV) vừa được Nghị viện châu Âu hoàn tất, sợi carbon lần đầu tiên bị liệt kê là vật liệu có khả năng gây hại. Mục tiêu của chỉ thị là tăng cường tính bền vững trong quy trình tháo dỡ và tái chế xe.

Sợi carbon, với ưu điểm vượt trội về trọng lượng nhẹ và độ bền cao hơn cả thép và nhôm, đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không vũ trụ đến sản xuất tuabin gió và đặc biệt là ngành ô tô, dù chi phí sản xuất còn khá cao.

Thị trường sợi carbon toàn cầu, trị giá 5,48 tỷ đô la trong năm 2024, được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 17,08 tỷ đô la vào năm 2035. Ngành ô tô hiện chiếm 10-20% tổng nhu cầu sợi carbon và con số này được kỳ vọng sẽ tăng vọt khi các nhà sản xuất xe điện (EV) ráo riết tìm kiếm giải pháp giảm trọng lượng xe.

Việc giảm trọng lượng là yếu tố then chốt để cải thiện phạm vi hoạt động và hiệu suất của xe điện, vốn phải "gánh" thêm trọng lượng đáng kể từ bộ pin lớn. Sợi carbon được xem là "cứu cánh" lý tưởng, đặc biệt đối với phân khúc xe sang, nơi hiệu suất và trải nghiệm lái được ưu tiên hàng đầu.

Lý do EU xem xét sợi carbon là vật liệu nguy hiểm nằm ở khâu xử lý chất thải. Khi sợi carbon kết hợp với nhựa bị thải bỏ, các sợi nhỏ li ti có thể phát tán trong không khí, gây đoản mạch cho thiết bị điện tử và nguy hiểm hơn là gây kích ứng da, niêm mạc khi tiếp xúc.

Theo Nikkei Asia, các "ông lớn" Nhật Bản như Toray Industries, Teijin và Mitsubishi Chemical, chiếm tới 54% thị phần sợi carbon toàn cầu, sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu lệnh cấm có hiệu lực. Riêng Toray, ngành ô tô là mảng kinh doanh lớn thứ ba, với 50% doanh thu từ châu Âu.

Nhiều hãng xe, không chỉ xe điện mà cả xe động cơ đốt trong và hybrid, cũng đang tích cực sử dụng sợi carbon. McLaren thậm chí còn chế tạo khung gầm siêu xe hoàn toàn bằng vật liệu này. Dù vậy, một tia hy vọng là lệnh cấm, nếu được thông qua, sẽ chưa có hiệu lực trước năm 2029.

Bốn năm có thể là khoảng thời gian không dài để ngành ô tô thích ứng. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu luôn biến động. Bài học từ việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu ô tô đã cho thấy một quyết định đơn lẻ có thể gây ra những xáo trộn lớn như thế nào.

PHƯƠNG LÊ

Theo Carscoops

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-o-to-nin-tho-truoc-nguy-co-eu-cam-cua-soi-carbon-post844460.html
Zalo