Ngành Nông nghiệp với những kỳ vọng mới

Bắt nhịp xu thế phát triển trong giai đoạn mới, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đa giá trị... qua đó mở ra kỳ vọng mới trong năm 2025.

Về xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) những ngày gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các vườn bưởi khoe sắc vàng đã vào vụ thu hoạch; những quả bưởi chín mọng, có vị ngọt thanh với thương hiệu "Bưởi Vĩnh Tường - hương vị đất Phủ" lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Mô hình trồng bưởi diễn theo hướng hữu cơ của gia đình ông Phùng Văn Tân, xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng

Mô hình trồng bưởi diễn theo hướng hữu cơ của gia đình ông Phùng Văn Tân, xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng

Ông Nguyễn Phùng Thắng, thôn Hậu Lộc cho biết: Tận dụng ưu thế vùng đất bãi ven sông Hồng, từ năm 2009, gia đình tôi trồng bưởi, đến nay, vườn bưởi có hơn 200 gốc. Để tạo ra quả bưởi có vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, cùi mỏng và nhiều nước, gia đình chú trọng ngay từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; có tem truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Đầu quý IV/2024, thông qua Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hảo, tỉnh Thái Nguyên, hơn 2.400 quả bưởi của gia đình đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá thu mua 15.000 đồng/quả, cao gấp 1,5 lần giá thu mua bưởi trên địa bàn huyện.

Đây là niềm vui rất lớn với người trồng bưởi. Hy vọng trong năm mới, quả bưởi tiếp tục tiếp cận được với doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Toàn huyện Vĩnh Tường hiện có hơn 100 ha trồng bưởi, tập trung tại các xã Vĩnh Phú, Vĩnh Thịnh... Để phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho quả bưởi, năm 2018, huyện Vĩnh Tường đã thành lập Hội Trồng bưởi, với 110 hội viên, tổng diện tích canh tác 50 ha.

Năm 2019, bưởi Vĩnh Tường được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu “Bưởi Vĩnh Tường - hương vị đất Phủ”. Từ năm 2020 đến nay, huyện Vĩnh Tường đã đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng. Đến nay, toàn huyện có gần 16 ha được cấp mã số vùng trồng, sản lượng trung bình đạt khoảng 8.000 quả/ha.

Không chỉ có bưởi Vĩnh Tường, những ngày cuối năm, ngành Nông nghiệp còn có thêm nhiều niềm vui, đó là sự hồi sinh, phát triển trở lại của những cánh đồng, vùng chuyên canh, các mô hình sản xuất, các trang trại chăn nuôi sau hơn 3 tháng bão số 3 (Yagi) đi qua gây thiệt hại lớn, nhất là tại các địa phương nằm dọc tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy.

Gia đình anh Bùi Việt Anh, xã Thanh Vân (Tam Dương) đầu tư chuồng trại hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 nuôi gà đẻ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Gia đình anh Bùi Việt Anh, xã Thanh Vân (Tam Dương) đầu tư chuồng trại hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 nuôi gà đẻ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Theo chia sẻ của các hộ dân, dù chưa thể phục hồi diện tích, năng suất, sản lượng so với trước bão số 3 (Yagi), nhưng các hộ đã tái trồng cây, kịp thời cắt tỉa loại bỏ những mầm hoa, quả hỏng và gieo trồng các loại rau, củ, quả ngắn ngày kịp bán ra thị trường dịp Tết.

Ông Nguyễn Văn Tâm, xã Liên Châu (Yên Lạc) cho biết: Ngay sau bão đi qua, gia đình đã vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột khu vực chăn nuôi, sửa chữa hệ thống chuồng trại; nhập thêm 10 nghìn gà đẻ đưa chuồng nuôi thứ 4 vào hoạt động từ tháng 11/2024, nâng tổng đàn gà đẻ lên hơn 40 nghìn con phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Một niềm vui với người dân trên địa bàn tỉnh, dự kiến tháng 4/2025, dự án Tổ hợp chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo do Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ đi vào hoạt động với sản phẩm thịt bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản mang thương hiệu Vinabeef.

Dự án tổ hợp chăn nuôi, chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo được khởi công xây dựng ngày 8/3/2023 trên tổng diện tích khoảng 75,6 ha tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên và xã Minh Quang, huyện Tam Đảo.

Tổ hợp gồm 2 phân khu chính: Trang trại chăn nuôi, vỗ béo bò thịt 10 nghìn con và nhà máy giết mổ, chế biến thịt bò mát với công suất 30 nghìn con/năm (10 nghìn tấn thịt thương phẩm/năm).

Tổng mức đầu tư xây dựng trang trại, nhà máy tại huyện Tam Đảo 1.670 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng khu chăn nuôi; nhà máy giết mổ, chế biến đã hoàn thành và đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2024, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, diễn biến bất thường nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng 1,53%, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh. Đây là nền tảng để ngành đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025.

Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm đặc hữu địa phương.

Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác lợi thế của địa phương.

Đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng đa chức năng, tập trung vào nâng cấp các công trình hiện có. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2025 đạt 2,5 - 3,0%.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122803//nganh-nong-nghiep-voi-nhung-ky-vong-moi
Zalo