Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Hà Giang thu hút SV
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang ký kết với nhiều đối tác Trung Quốc, giúp sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có cơ hội việc làm với thu nhập tốt.
Hà Giang - tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, đang ngày càng hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ngoại ngữ chất lượng cao, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang mới mở ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, mang đến cho các bạn sinh viên cơ hội học tập và phát triển trong một môi trường học thuật tiên tiến và năng động.
Nhiều yếu tố thuận lợi để đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc
Tiến sĩ Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang chia sẻ, Ngôn ngữ Trung Quốc là một ngành học đang thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ đam mê ngoại ngữ, mong muốn làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia.
“Tiếng Trung Quốc là ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, theo thống kê hiện nay có hơn 1,5 tỷ người sử dụng.
Hà Giang có nhiều cơ hội giao thương và hợp tác với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều. Biết thêm một thứ ngôn ngữ cũng chính là cơ hội giúp bạn tăng cơ hội cạnh tranh và dễ dàng ghi điểm với các nhà tuyển dụng trên con đường phát triển sự nghiệp.
Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang hứa hẹn sẽ trang bị cho các bạn sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành những chuyên gia ngôn ngữ giỏi, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, Hà Giang nổi tiếng với công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc sắc. Ngành du lịch tỉnh nhà đang phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Việc có những hướng dẫn viên thạo tiếng Trung cũng vô cùng cần thiết” - thầy Tấn cho biết.
Sinh viên theo học ngành ngôn ngữ Trung luôn có những cơ hội rộng mở trong công việc tương lai như giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc tại các trường học, trường nghề, đại học, các nơi đào tạo chuyên môn về ngôn ngữ; phiên dịch, biên dịch các tài liệu, sách báo, tài liệu tiếng Trung; chuyên viên Marketing, giao dịch thương mại trong các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam; chuyên viên tư vấn, hướng dẫn giao dịch; hướng dẫn viên du lịch, làm lễ tân trong nhà hàng, khách sạn; tiếp viên hàng không, nhân viên an ninh tại cảng hàng không.
Với những yếu tố thuận lợi đó, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang mở ngành Ngôn ngữ Trung Quốc vào năm học 2024 - 2025 với 120 chỉ tiêu.
Thào Thị Hồng Quyên - sinh viên khóa đầu tiên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc chia sẻ: “Em là một người con lớn lên tại Hà Giang - một tỉnh miền núi phía Bắc giáp với Trung Quốc. Vì vậy, em nghĩ rằng chọn ngành học này sẽ giúp ích cho việc tìm công việc sau này.
Dù chưa học qua tiếng Trung trước đó nhưng em cũng đã được tiếp xúc thông qua phim ảnh, âm nhạc và thấy ngôn ngữ này rất gần gũi.
Trong những buổi học đầu tiên, em đã được nghe thông tin về cấu trúc khóa học, các môn học cơ bản và chuyên sâu như kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết), văn hóa và văn học Trung Quốc, phiên dịch và các môn học tự chọn. Các thầy cô cũng giới thiệu về các cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp giúp các bạn có định hướng cho tương lai”.
Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi cho sinh viên cũng hỗ trợ những bạn có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đi học.
Hoàng Thị Huyền - sinh viên khóa đầu tiên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cho biết: “Em ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên được giảm 70% học phí và có trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cũng có nhiều cơ hội việc làm nên em đã lựa chọn theo học".
Sinh viên có cơ hội thực hành tiếng, thực tập ngay tại Trung Quốc
Tiến sĩ Lục Quang Tấn khẳng định, cơ hội sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao, với mức lương sau khi ra trường có thể từ 15 đến 40 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc sẵn sàng nhận sinh viên của trường vào thực tập với mức lương tháng 5-7 triệu/đồng.
Thầy Tấn cho biết: “Thời gian qua, Phân hiệu đã tích cực liên kết, hợp tác với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Nổi bật là thực hiện chương trình làm việc với Đoàn đại biểu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viện nghiên cứu thiết kế quy hoạch đô thị Đồng Tế Thượng Hải, trực thuộc Đại học Đồng Tế (Trung Quốc); ký kết hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mậu Dịch quốc tế Thiên Thiện Đại Liên, chi nhánh Hà Khẩu (Trung Quốc); tham gia Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Nam Á và Đông Nam Á lần thứ 3 và Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Trung – Việt lưu vực sông Hồng lần thứ 5 tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Việc hợp tác này mang lại nhiều thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trên cơ sở đó, Phân hiệu sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu, đối ngoại, mở rộng hợp tác, chú trọng đầu tư xây dựng các cơ sở thực hành, thực nghiệm, hướng đào tạo đi đôi với giải quyết việc làm, không những đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung, mà còn vươn tầm ra thế giới”.
Bên cạnh đó, nhà trường có những hoạt động ngoại khóa cho sinh viên được thực hành kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Trung.
Ngay sau khi thành lập, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang đã triển khai mô hình câu lạc bộ Ngoại ngữ, trong đó có cả giao lưu và sinh hoạt tiếng Trung Quốc, để tạo động lực học tập và giúp các em cải thiện vốn ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp. Câu lạc bộ được cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, giảng viên môn tiếng Trung của trường trực tiếp làm chủ nhiệm.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các cuộc thi hùng biện, hát tiếng Trung; tổ chức giao lưu trực tiếp với người bản xứ, chuyên gia người nước ngoài đang giảng dạy tại các khoa…
Thầy Lục Quang Tấn cho biết, câu lạc bộ Ngoại ngữ là cầu nối, góp phần thúc đẩy sinh viên phát huy được năng lực sở trường, tích cực, mạnh dạn, năng động hơn trong giao tiếp. Đây cũng là hành trang để các em học tập tốt hơn và nền tảng để hội nhập.
Hoàng Thị Huyền chia sẻ: “Tính em hơi nhát nên em dự định đăng ký vào Câu lạc bộ để phát triển bản thân. Vì trong các buổi sinh hoạt, thành viên được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích như tranh luận, thảo luận theo chủ đề trong chương trình học trên lớp hoặc vấn đề trong xã hội.
Năm ngoái, sinh viên trong câu lạc bộ còn được đi tham gia biểu diễn giao lưu văn nghệ ở cửa khẩu Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình của Trung Quốc… tương lai, nếu có cơ hội được giao lưu, học tập tại Trung Quốc em chắc chắn sẽ đi”.