Ngành ngân hàng vượt chỉ tiêu cho vay nông nghiệp công nghệ cao

Sau khoảng 5 năm triển khai, ngành ngân hàng vượt 11,6% chỉ tiêu Chính phủ đề ra, với doanh số cho vay lũy kế lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch lên tới 111.641 tỷ đồng. Hiện dư nợ cho vay lĩnh vực này còn khoảng 27.000 tỷ đồng, ngân hàng sẵn vốn cho vay nhưng nhiều dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Đề xuất có tiêu chí cho vay phù hợp với các loại bất động sản khác nhau Ngân hàng khó nhọc về đích chỉ tiêu cho vay online Lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ từ mức nền thấp

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp”.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội thảo.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, từ kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Kênh vốn giá rẻ, nhiều ưu đãi

Thời gian qua, nhiều chương trình, cơ chế, giải pháp trọng tâm được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), những năm qua, NHNN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nổi bật là NHNN trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 (Nghị định 55) và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình là ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70-80% giá trị của dự án, phương án. Đồng thời, ban hành cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ…

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN).

“Đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, với trên 9.100 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay năm 2022 khoảng 15.000 tỷ đồng, năm 2023 trên 20.000 tỷ đồng, 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, nợ quá hạn ở mức thấp, chiếm tỷ lệ khoảng 1,1% tổng dư nợ”.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Theo đó, các ngân hàng thương mại tự cân đối nguồn vốn để cho vay với lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại.

Từ những nỗ lực kể trên, ngành ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ được giao, chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vượt mục tiêu đề ra.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết từ khi triển khai theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đến cuối tháng 4/2022, doanh số cho vay lũy kế lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 111.641 tỷ đồng, vượt 11,6% so với quy mô 100.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ. Dư nợ 28.738 tỷ đồng với 10.890 khách hàng còn dư nợ, chủ yếu là cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm gần 94%.

Nhiều công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế; góp phần đưa các nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều khoảng trống, khó cho vay nhiều dự án

Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Bởi các dự án nông nghiệp công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài, trong khi sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai.

NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ảnh: TL.

NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ảnh: TL.

Gần đây nhất, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp trên 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế.

Cùng với đó, nguồn vốn của ngành ngân hàng luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tuy nhiên, số lượng các dự án còn hạn chế; nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định nên các ngân hàng khó khăn trong thẩm định và quyết định cho vay.

Thời gian tới, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường. Phối hợp các đơn vị tổng kết tình hình thực hiện các nghị định để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.

Cùng với đó, triển khai một số chương trình cho vay như: chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng; nâng cao hiệu quả thẩm định, tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Tú Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-ngan-hang-vuot-chi-tieu-cho-vay-nong-nghiep-cong-nghe-cao-163882.html
Zalo