Ngành Ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Trước xu hướng số hóa mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và của lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, nhiều năm qua Vietcombank đã đầu tư các nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số, đã và đang là một trong những đơn vị mũi nhọn thực hiện chiến lược chuyển đổi số ngành ngân hàng, tích cực đồng hành cùng Chính phủ trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Bài 1:

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG - MỆNH LỆNH CHIẾN LƯỢC TRONG KỶ NGUYÊN 4.0

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của công nghệ, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc, một chiến lược sống còn đối với ngành Ngân hàng. Đây không chỉ là quá trình ứng dụng công nghệ đơn thuần, mà là một cuộc cách mạng toàn diện, đòi hỏi sự thay đổi sâu sắc về tư duy, nhận thức và phương thức hoạt động của toàn ngành.

Toàn Ngành vào cuộc

Vào ngày 11-5-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN, chính thức phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kế hoạch đặt ra mục tiêu chiến lược là hiện đại hóa toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước, tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kế hoạch này tập trung vào các định hướng sau: (i) Nâng cao hiệu quả quản lý: Đáp ứng toàn diện các tiêu chí và chỉ số về chuyển đổi số do Chính phủ đề ra, thể hiện sự đồng bộ và tuân thủ trong quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng; (ii) Phát triển ngân hàng số: Xây dựng và mở rộng các mô hình ngân hàng số tiên tiến, mang lại trải nghiệm khách hàng vượt trội và thúc đẩy tài chính toàn diện; (iii) Tài chính toàn diện và bền vững: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài của ngành; và (iv) Quản trị và cung ứng dịch vụ: Cải tiến công tác quản trị điều hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Quyết định 810/QĐ-NHNN không chỉ là một văn bản hành chính, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc dẫn dắt ngành Ngân hàng Việt Nam tiến vào kỷ nguyên số. Đây là bước đi quan trọng để ngành Ngân hàng có thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh việc ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, ngày7-6-2021, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK. Đây là một văn bản quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về việc “Triển khai Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết số 02 đặc biệt nhấn mạnh đến việc ưu tiên chuyển đổi số trong một số lĩnh vực then chốt, bao gồm: (i) Nhóm ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin: Đây là nhóm ngành đóng vai trò nền tảng, cung cấp hạ tầng và công cụ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của các ngành khác; (ii) Nhóm ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm: Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực này được xem là then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính; (iii) Các nhóm ngành khác: Giao thông vận tải, năng lượng, sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp cũng được xác định là cần ưu tiên chuyển đổi số để nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Ngành Ngân hàng, với vai trò là trung gian tài chính và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cần phải đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường khả năng quản lý rủi ro và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số

Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: (1) Chuyển đổi nhận thức: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số trong toàn ngành; (2) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Xây dựng và cải tiến hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; (3) Phát triển hạ tầng số: Đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, đảm bảo nền tảng vững chắc cho các hoạt động số hóa; (4) Chính phủ điện tử: Xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và minh bạch thông tin; (5) Ngân hàng số: Hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại các tổ chức tín dụng, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng; (6) Khai thác dữ liệu số: Phát triển và sử dụng hiệu quả dữ liệu số, tạo ra giá trị gia tăng và hỗ trợ ra quyết định; (7) An toàn, an ninh mạng: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong mọi hoạt động, bảo vệ thông tin và tài sản của khách hàng; (8) Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong những trụ cột quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng theo Quyết định 810/QĐ-NHNN, thực tế cho thấy các tổ chức tín dụng đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc xây dựng và nâng cấp đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Tình trạng thiếu hụt nhân tài có đủ năng lực về chuyển đổi số, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động, đang tạo ra áp lực lớn lên các ngân hàng trong việc thu hút, đào tạo và giữ chân nhân sự chất lượng cao.

Do đó, các ngân hàng cần tập trung vào một số giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực, bảo đảm sự thành công của quá trình chuyển đổi số bao gồm:

Thứ nhất, xây dựng tầm nhìn và văn hóa số trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là bước đi đầu tiên và cũng là nền tảng quan trọng nhất, định hình hướng đi và tạo động lực cho toàn bộ quá trình chuyển đổi số của ngân hàng. Việc xây dựng tầm nhìn chiến lược nhằm xác định mục tiêu rõ ràng, ngân hàng cần xác định rõ ràng và cụ thể các mục tiêu mà mình muốn đạt được thông qua chuyển đổi số. Đây có thể là các mục tiêu về tăng trưởng kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa hoạt động, hay cải thiện hiệu quả quản lý rủi ro. Theo đó, định hướng được chiến lược phát triển dựa trên các mục tiêu đã xác định, ngân hàng cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi số toàn diện, bao gồm các định hướng cụ thể về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, quy trình nghiệp vụ và mô hình tổ chức. Căn cứ trên các mục tiêu và định hướng chiến lược, Ngân hàng có thể xây dựng mô hình hoạt động mới. Cụ thể, tầm nhìn chiến lược cần hướng tới việc xây dựng các mô hình hoạt động mới, tận dụng tối đa công nghệ số để tạo ra lợi thế cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tập trung vào: (i) Ngân hàng số (digital bank): Ưu tiên phát triển các kênh giao dịch trực tuyến, cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính số, mang lại trải nghiệm liền mạch và thuận tiện cho khách hàng mọi lúc mọi nơi; (ii) Ngân hàng tương tác xã hội (social engaged bank): Tích hợp các nền tảng truyền thông xã hội vào hoạt động kinh doanh, tạo ra các kênh tương tác mới với khách hàng, tăng cường sự gắn kết và lòng trung thành của khách hàng; và (iii) Ngân hàng dựa trên dữ liệu (data-driven bank): Khai thác và phân tích dữ liệu lớn để hiểu rõ hơn về hành vi và nhu cầu của khách hàng, từ đó cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ, đưa ra quyết định kinh doanh chính xác và quản lý rủi ro hiệu quả.

Để bảo đảm quá trình chuyển đổi số được thực hiện trơn tru, hiệu quả không thể thiếu vai trò của đội ngũ lãnh đạo. Cụ thể, lãnh đạo cấp cao cần thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với chuyển đổi số, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể. Họ là những người tiên phong trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới và truyền cảm hứng cho toàn bộ tổ chức. Đồng thời, tạo chuyển biến nhận thức cho đội ngũ nhân viên. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi tư duy và nhận thức của nhân viên về chuyển đổi số, tạo ra một môi trường khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và học hỏi, đồng thời giải quyết những lo ngại và e ngại của nhân viên về tác động của công nghệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Để xây dựng tầm nhìn và văn hóa số thành công, các ngân hàng có thể triển khai một số hoạt động cụ thể sau: (i) Đào tạo và huấn luyện: thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, công nghệ mới và xu hướng thị trường cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý, đồng thời xây dựng các chương trình đào tạo bài bản và định kỳ về kỹ năng số, kiến thức chuyên môn liên quan đến chuyển đổi số cho toàn bộ nhân viên. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi thảo luận, hội thảo, diễn đàn trực tuyến để nhân viên có thể chia sẻ ý kiến, quan điểm, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về công nghệ số, kỹ năng số và các sáng kiến đổi mới. Từ đó, xây dựng cơ chế khuyến khích nhân viên chủ động đề xuất các ý tưởng, giải pháp mới liên quan đến chuyển đổi số, tạo cơ chế để ghi nhận và khen thưởng những đóng góp tích cực.

Như vậy, xây dựng tầm nhìn và văn hóa số là một quá trình lâu dài và liên tục, đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực từ toàn bộ tổ chức, đặc biệt là từ đội ngũ lãnh đạo. Bằng cách thực hiện các giải pháp trên, các ngân hàng có thể tạo ra một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, khuyến khích sự học hỏi và phát triển, từ đó xây dựng một đội ngũ nhân sự có đủ năng lực và sẵn sàng đối mặt với những thách thức của kỷ nguyên số.

Thứ hai, để thích ứng với yêu cầu của chuyển đổi số, cần thiết kế lại cơ cấu tổ chức, đảm bảo sự linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường và công nghệ. Điều này bao gồm: (i) Cơ cấu lại bộ máy: Sắp xếp lại các phòng ban, bộ phận một cách hợp lý, loại bỏ các quy trình rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới; (ii) Thành lập đội ngũ chuyên trách: Xem xét thành lập các đơn vị chuyên môn về chuyển đổi số, có thể là phòng, trung tâm hoặc tổ công tác (task force) liên chức năng. Đội ngũ này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ mới. (iii) Xây dựng hệ sinh thái đổi mới: Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, môi trường thử nghiệm (sandbox) để nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài như công ty công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và các cá nhân có năng lực chuyên môn cao để khai thác tối đa nguồn lực và kiến thức.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi không ngừng, việc đào tạo không chỉ là cung cấp kiến thức một lần mà là một quá trình liên tục, giúp nhân viên luôn cập nhật và thích ứng. Thông qua việc thực hiện đánh giá toàn diện về kỹ năng và kiến thức hiện tại của nhân viên, so sánh với yêu cầu của chuyển đổi số để xác định các khoảng trống cần được bồi đắp, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo đa dạng, bao gồm cả đào tạo chính quy và các hình thức học tập linh hoạt như e-learning, hội thảo, workshop, mentoring, … Chương trình cần bao gồm cả kiến thức chuyên môn về công nghệ số (ví dụ: ai, blockchain, big data...) và kỹ năng mềm (ví dụ: tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm...). Đồng thời, triển khai công tác đào tạo lại (reskilling) và nâng cao kỹ năng (upskilling). Cụ thể, cung cấp các chương trình đào tạo lại cho nhân viên ở các vị trí có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa, giúp họ chuyển đổi sang các vai trò mới phù hợp hơn. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng để nhân viên hiện tại có thể đáp ứng các yêu cầu công việc mới phát sinh từ quá trình chuyển đổi số. Từ nền tảng vừa nêu trên, ngân hàng có thể xây dựng văn hóa học tập liên tục trong tổ chức, khuyến khích nhân viên tự học hỏi và phát triển bản thân thông qua các nguồn tài liệu trực tuyến, các khóa học mở, các hội thảo chuyên ngành. Như vậy, có thể thấy phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố then chốt để đảm bảo thành công của quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Bằng cách xây dựng một kế hoạch đào tạo toàn diện và khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, các ngân hàng có thể xây dựng một đội ngũ nhân sự năng động, sáng tạo và có đủ năng lực để dẫn dắt tổ chức vượt qua những thách thức của kỷ nguyên số.

Thứ tư, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Cụ thể, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, việc thiết lập và nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các tổ chức bên ngoài như Fintech, Bigtech, trường đại học, viện nghiên cứu.. không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu đối với các ngân hàng. Với Fintech và Bigtech, Ngân hàng có thể hợp tác phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính số mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dữ liệu lớn (big data)... vào hoạt động ngân hàng. Đồng thời, tận dụng hạ tầng công nghệ và nền tảng sẵn có của các công ty công nghệ để triển khai các dịch vụ mới nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đối với trường đại học và viện nghiên cứu, Ngân hàng có thể hợp tác, xây dựng, thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ tài chính, chuyển đổi số, kỹ năng số... cho nhân viên ngân hàng. Đồng thời, tuyển chọn được nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại ngân hàng, từ đó xem xét tuyển dụng những sinh viên xuất sắc vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Như vậy, có thể thấy xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các tổ chức đối tác là một chiến lược quan trọng để các ngân hàng có thể tận dụng tối đa các nguồn lực bên ngoài, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

(còn nữa)

Lý Quang Huy (Phó Trưởng Phòng Khách hàng Doanh nghiệp 3), Nguyễn Đình Văn, Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Thẩm Ngọc, Phạm Hoàng Hồng Phúc (Phòng Khách hàng Doanh nghiệp 3) - Vietcombank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh)

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/nganh-ngan-hang-trong-tien-trinh-day-manh-chuyen-doi-so-quoc-gia-21895
Zalo