Ngành Ngân hàng triển khai Phong trào 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025'
Tại Quyết định số 2909/QĐ-NHNN ngày 31/12/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025' của ngành Ngân hàng.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là tạo khí thế thi đua sôi nổi, thể hiện ý chí, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC&NLĐ) ngành Ngân hàng, góp phần cùng cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thi đua phấn đấu hoàn thành mục tiêu “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" đã đề ra.
Cùng với đó, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khích lệ sự đồng hành, sự tham gia ủng hộ, đóng góp, hỗ trợ trực tiếp của toàn thể CBCCVC&NLĐ ngành Ngân hàng với nhiều hình thức phù hợp để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây dựng mới trên địa bàn cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Đồng thời, thông qua phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.
Để phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" là một trong những phong trào thi đua thường xuyên của ngành Ngân hàng, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN phát động, Kế hoạch đã đề ra các nội dung thi đua:
Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thu hút các nguồn lực của đông đảo đội ngũ CBCCVC&NLĐ ngành Ngân hàng tham gia ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong chung tay xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn cả nước trong năm 2025.
Hai là, thi đua xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/01/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025).
Ba là, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận các chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.
Bốn là, các đơn vị trong toàn Ngành tích cực tham gia ủng hộ, hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở bằng nhiều hình thức như đóng góp kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt.... nhằm xây dựng các công trình đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Năm là, thi đua sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với nguyên tắc hỗ trợ đến từng hộ gia đình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Kế hoạch đã đề ra các tiêu chí thi đua và hình thức khen thưởng cụ thể đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua này. Đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quản lý và Tổng thư ký các Hiệp hội do Ngân hàng Nhà nước quản lý tổ chức thực hiện Kế hoạch này.