Ngành Ngân hàng triển khai kế hoạch hành động đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 1854/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 111/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm xác định rõ các nội dung công việc cụ thể và trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở đó, căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao, NHNN đề nghị các đơn vị trực thuộc, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ và Kế hoạch hành động này đến từng cán bộ, công chức. viên chức, người lao động trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Các đơn vị thuộc NHNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao đầu nổi tham mưu lĩnh vực và các văn bản quy phạm pháp luật được phân công rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, hướng tới thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Vụ Chính sách Tiền tệ đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trưởng tiền tệ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả.

Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu: triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách để hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh. Tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi tại Nghị định 116/2018/NĐCP); Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản... góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tạo điều kiện để các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động, cung ứng các sản phẩm - dịch vụ ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là vùng nông thôn, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có điều kiện áp dụng ngân hàng số và các dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Vụ Thanh toán đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng công nghệ hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Vụ Truyền thông, Thời báo ngân hàng, Tạp chí ngân hàng đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện đẩy mạnh công tác truyền thông các cơ chế, chính sách đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đơn vị thuộc NHNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao đầu mối tham mưu lĩnh vực được phân côngcăn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp tham gia ý kiến với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để đầy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên các dự án đầu tư phát triển chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp khi được đề nghị.

Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ và Kế hoạch hành động này của NHNN để triển khai nhiệm vụ phù hợp với hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Công văn nêu rõ, định kỳ hàng năm (trước ngày 15/11), các đơn vị được giao đầu mối triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động này và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố có báo cáo về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối thực hiện) để báo cáo Lãnh đạo NHNN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp theo quy định.

PT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-trien-khai-ke-hoach-hanh-dong-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-155296.html
Zalo