Ngành Ngân hàng mạnh tay với tài khoản 'rác'

Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng được xem là động thái quyết liệt nhằm xử lý tài khoản 'rác', tài khoản 'ma', xác định tài khoản chính chủ. Bước đi của NHNN là rất cần thiết bởi thực tế thời gian qua xảy ra nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng nhưng không đòi lại được, bởi đó là tài khoản ảo.

Xác định chính chủ mới mở được tài khoản

Theo số liệu thống kê, đến nay, hơn 87% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Thời gian qua, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, tạo cơ sở để việc thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100% mỗi năm.

Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu hoạt động thông qua lừa đảo trực tuyến. Báo cáo của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết, trong năm 2023 tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Thống kê của đơn vị này còn cho thấy, 91% vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính, 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Cổng Cảnh báo an toàn thông tin mạng Việt Nam đã tiếp nhận hơn 8.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng gửi đến.

Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng được xem là động thái quyết liệt nhằm xử lý tài khoản “rác”, tài khoản “ma”, xác định tài khoản chính chủ

Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng được xem là động thái quyết liệt nhằm xử lý tài khoản “rác”, tài khoản “ma”, xác định tài khoản chính chủ

Để hạn chế, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng trên không gian mạng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai các nhóm giải pháp chính, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng. Trong đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 1/7/2024. Quyết định 2345 giải quyết 2 điểm quan trọng, đó là chấm dứt tình trạng mở tài khoản bằng giấy tờ giả; hai là xóa bỏ việc mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ người đó mở. Việc xác thực sinh trắc học theo yêu cầu của Quyết định 2345 sẽ xác định đúng tài khoản, đúng người có căn cước công dân được Bộ Công an cấp.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, một số quy định có hiệu lực từ 1/10/2024 tới đây, trong đó có quy định về thủ tục phát hành thẻ (Điều 9) và quy định về việc phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử (Điều 10). Cụ thể, tổ chức phát hành thẻ phải thu thập các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhằm nhận biết khách hàng và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ đối với khách hàng cá nhân, thông tin sinh trắc học của đại diện hợp pháp đối với khách hàng tổ chức.

Các quy định tương tự cũng được áp dụng với khách hàng đăng ký mở ví điện tử bằng phương tiện điện tử. Theo các chuyên gia, quy định này nhằm xác định chính chủ mở tài khoản, sẽ là một bộ lọc rất tốt để tránh xuất hiện tài khoản rác, không chính chủ. Ngoài ra, theo Thông tư 18, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản phải xác thực sinh trắc học với ngân hàng mới được giao dịch. Còn từ ngày 1/7/2025, tài khoản sẽ bị ngừng giao dịch khi căn cước công dân hết hạn.

Ngân hàng tận dụng nguồn dữ liệu sạch

Để tạo sự thuận tiện cho người dân khi mở tài khoản, đáp ứng các yêu cầu về xác thực sinh trắc học, ngành Ngân hàng đang phối hợp tích cực với Bộ Công an, khai thác dữ liệu “sạch” từ dữ liệu dân cư quốc gia.

Trung tướng Phạm Thế Tùng – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an luôn coi trọng và quyết tâm triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư căn cước định danh, xác thực điện tử nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng. Đến nay 23 ngân hàng thí điểm việc này. Bộ Công an cũng phối hợp với NHNN triển khai Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN giữa Bộ Công an và NHNN từ ngày 24/4/2023 đến nay. Qua đó, đã làm sạch dữ liệu thông tin trên 3,6 triệu tài khoản ngân hàng, xác thực tại quầy 3,2 triệu hồ sơ khách hàng, xác thực ứng dụng qua ngân hàng trực tuyến 17,6 triệu hồ sơ khách hàng, trên 180 triệu tài khoản thanh toán, 145,79 triệu thẻ ngân hàng cho hơn 40 TCTD, trung gian thanh toán bằng ví điện tử… Bộ Công an đã thực hiện cung cấp thí điểm đánh giá mức độ khả thi phục vụ vay tín chấp với hơn 10.000 hồ sơ khách hàng.

Về phía các TCTD hiện đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để triển khai các dịch vụ số xác thực thông qua VNeID. Đơn cử như mới đây, NCB và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR - thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an) ký kết hợp tác triển khai tính năng định danh và xác thực qua VNeID trên NCB iziMobile. Theo nội dung hợp tác, NCB và Trung tâm RAR sẽ kết nối tính năng của ứng dụng định danh điện tử VNeID và ngân hàng số NCB iziMobile cho khách hàng cá nhân. Qua đó, giúp công dân thuận tiện trong việc mở tài khoản ngân hàng, gia tăng trải nghiệm người dùng ứng dụng, đảm bảo tính chính xác, an toàn, bảo mật, rút ngắn thời gian tối đa trong việc định danh và xác thực sinh trắc học khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Khi có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng, công dân có thể trực tiếp đăng nhập vào ứng dụng VNeID, lựa chọn tính năng dịch vụ ngân hàng và thực hiện theo hướng dẫn. Việc định danh điện tử khi mở tài khoản (eKYC) và xác thực sinh trắc học sẽ tự động sau khi khách hàng chấp thuận, không cần sử dụng căn cước công dân vật lý hay ra trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng.

LPBank cũng ký kết với RAR để cùng phối hợp nghiên cứu, phát triển giải pháp, triển khai các sản phẩm, dịch vụ bao gồm xác thực - định danh điện tử (xác thực căn cước công dân gắn chip điện tử, đối chiếu dữ liệu sinh trắc học cá nhân), làm sạch dữ liệu thông tin khách hàng và liên kết các dịch vụ như ứng dụng giải pháp đánh giá mức độ khả tín khách hàng cho các sản phẩm vay tín chấp online; mở tài khoản, khoản vay/thấu chi trên ứng dụng VNeID…

“LPBank đã và đang nỗ lực tối đa nhằm cung cấp cho người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng những tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân gắn chíp, chuyển đổi cách làm từ thủ công sang tự động hóa, tối ưu hóa và cá nhân hóa với hiệu quả vượt trội”, ông Hồ Nam Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc LPBank chia sẻ.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng yêu cầu, TCTD, các ngân hàng tập trung làm sạch và số hóa những dữ liệu mà Ngành đang có, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tiếp đến, các ngân hàng đẩy mạnh tiếp tục dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cuối cùng, trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch, các ngân hàng phải ứng dụng dữ liệu đã có để xác thực tài khoản và mọi giao dịch của khách hàng là chính chủ hoặc chính người được ủy nhiệm. Không thể để tình trạng đối tượng xấu lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Với sự quyết liệt để làm sạch dữ liệu khách hàng từ các TCTD, giới chuyên gia đánh giá, tới đây những tài khoản “rác” sẽ khó còn đất sống.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-manh-tay-voi-tai-khoan-rac-155920.html
Zalo