Ngành Ngân hàng: Bảo đảm thanh toán thông suốt, an toàn dịp Tết
Bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngành Ngân hàng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Trong đó, các dịch vụ ngân hàng số đang được đẩy mạnh nhằm tăng cường quản lý rủi ro và đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Tăng cường quản lý rủi ro
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã có hơn 90% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Trong quá trình này, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) thực sự là nguồn tài nguyên quý giá, hữu dụng. Việc tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu này không chỉ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, mà còn góp phần ngăn ngừa tình trạng tội phạm trong hoạt động ngân hàng.
Để bảo đảm an toàn cho hoạt động thanh toán, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng số, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị liên quan, các tổ chức tín dụng triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán...
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, chặt chẽ quy trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng theo quy định mới và các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán. Trong đó, quán triệt toàn hệ thống về việc triển khai các biện pháp tăng cường quản lý rủi ro đối với hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức, ngăn chặn hành vi mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cho mục đích bất hợp pháp...
Đáp ứng nhu cầu thanh toán
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các tổ chức tín dụng, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần chủ động dự báo về nhu cầu thanh toán và có phương án ứng phó cụ thể cho từng trường hợp để bố trí đầy đủ nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thanh toán tăng cao trước và trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM (máy rút tiền tự động) phù hợp với từng địa bàn, khu vực; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời; xử lý, ứng phó các sự cố, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến giao dịch thanh toán rút tiền của người dân.
Cùng với đó, có biện pháp bảo đảm hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán ổn định, thông suốt nhằm phục vụ công tác thanh toán; xử lý và phản hồi kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định; khắc phục các sự cố, tình huống phát sinh, bảo đảm hoạt động thanh toán thông suốt, ổn định, an toàn…
Khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp phục vụ cao điểm thanh toán trong dịp Tết, đại diện NAPAS cho biết, năm 2024, hệ thống xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 30,8% số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Trong đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 34,7% về số lượng và 16,4% về giá trị, chiếm tỷ trọng 93,5% tổng dịch vụ của NAPAS. Ngoài ra, phương thức thanh toán bằng mã VietQR cũng tiếp tục cho thấy sự phát triển vượt trội thông qua việc ghi nhận tăng 2,2 lần về số lượng giao dịch và 2,6 lần về giá trị giao dịch so với năm 2023.
Dịch vụ rút tiền trên ATM qua hệ thống NAPAS trong năm 2024 tiếp tục có xu hướng giảm mạnh - 19,5% so với cùng kỳ năm trước và chỉ chiếm 2,4% tổng số giao dịch của toàn hệ thống. Kết quả nói trên cho thấy sự phổ cập của các phương thức thanh toán điện tử đang thay thế cho tiền mặt trong đời sống hằng ngày.
Song song với quá trình chuyển đổi số, hoạt động ngân hàng trên môi trường mạng cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn. Để góp phần hạn chế, ngăn chặn sự gia tăng chiêu thức của tội phạm công nghệ cao, NAPAS đã phối hợp với các tổ chức thành viên cập nhật Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng giải pháp công nghệ, đồng thời phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất quy trình phối hợp xử lý các tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo, lừa đảo; qua đó góp phần hỗ trợ các tổ chức thành viên, tăng cường công tác giám sát, vận hành, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.