Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện
Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2025, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025.
Điểm nhấn trong bức tranh lợi nhuận là sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 12% vào năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động dự kiến bứt phá với mức tăng tới 20%. Ngược lại, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn có thể chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 8%.
VCBS phân tích, trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt mục tiêu 15% nhờ vào việc các ngân hàng đẩy mạnh mảng cho vay cá nhân. Đặc biệt, những ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ, với dư địa phát triển lớn, sẽ là nhân tố dẫn dắt xu hướng này.
Bước sang năm 2025, tín dụng dự kiến tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 14-15%, nhờ vào nhiều yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ. Mặt bằng lãi suất thấp tạo động lực thúc đẩy nhu cầu vay vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc nhờ sức bật từ nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, và vay mua nhà; trong khi tín dụng bán buôn vẫn giữ vững đà phát triển ổn định.
Theo nhận định của VCBS, lãi suất huy động dự kiến sẽ nhích nhẹ vào cuối năm 2024 và giữ xu hướng đi ngang trong năm 2025. Cuối năm 2024, lãi suất có thể tăng thêm khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm do áp lực từ tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, trong khi các ngân hàng cần tăng cường thanh khoản để đáp ứng nhu cầu tín dụng gia tăng.
Sang năm 2025, VCBS kỳ vọng lãi suất huy động sẽ ổn định khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tín dụng. Mặc dù có thể nhích nhẹ, mặt bằng lãi suất vẫn sẽ duy trì ở mức thấp, tương tự giai đoạn đại dịch Covid-19.
Về lãi suất cho vay, các chuyên gia dự đoán sẽ giữ ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2025 nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất sẽ có sự phân hóa giữa các ngành và nhóm ngân hàng. Các lĩnh vực ưu tiên dự kiến tiếp tục được hưởng lợi với lãi suất giảm nhẹ, trong khi những ngành rủi ro cao hoặc phục hồi nhanh như bất động sản và xây dựng có thể đối mặt với mức lãi suất tăng theo đà của lãi suất huy động.
VCBS cũng dự báo tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 nhờ chi phí vốn được giữ ở mức thấp khi lãi suất huy động ổn định và áp lực tỷ giá giảm. Bên cạnh đó, dư địa để giảm lãi suất đầu ra không còn nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho NIM.
Những ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ, tỷ lệ CASA cao, chất lượng tài sản vượt trội và tập khách hàng phục hồi khả năng trả nợ nhanh được dự báo sẽ có tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
VCBS nhận định rằng chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước triển khai. Những chính sách này tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ môi trường kinh doanh bất lợi hoặc thiên tai.
Tuy nhiên, sự cải thiện này sẽ không đồng đều mà phụ thuộc vào từng nhóm ngân hàng. Đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, đảm bảo sự ổn định.
Ngược lại, áp lực nợ xấu vẫn là bài toán lớn đối với một số ngân hàng, đặc biệt những tổ chức có tỷ trọng khách hàng tái cơ cấu cao nhưng chưa phục hồi được. Tình hình có thể trở nên khó khăn hơn nếu Thông tư 02 không được gia hạn sau ngày 31/12/2024. Ngoài ra, rủi ro về nợ kéo theo trên CIC cũng hiện hữu, nhất là ở các ngân hàng có dư nợ lớn trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng, nơi các khoản trái phiếu sắp đáo hạn đang gây áp lực lớn.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao cùng tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt với áp lực trích lập dự phòng tăng mạnh vào quý 4/2024 và trong suốt năm 2025. Đây sẽ là thách thức không nhỏ trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, theo đánh giá từ VCBS.