Ngành gỗ tăng trưởng dưới sức ép cạnh tranh thuế nhập khẩu
Dù được hưởng lợi từ mức thuế nhập khẩu thấp hơn Trung Quốc sau đàm phán Mỹ - Trung, triển vọng tăng trưởng của ngành chế biến gỗ Việt Nam sang thị trường Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại do áp lực cạnh tranh gia tăng và biên lợi nhuận bị co hẹp tại nhiều doanh nghiệp lớn.
Theo báo cáo cập nhật tháng 5/2025 của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2025 được dự báo đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn dự báo trước đó khoảng 3,3 điểm phần trăm, phản ánh tốc độ mở rộng thị phần đang có dấu hiệu chững lại, dù toàn ngành vẫn giữ được lợi thế tương đối sau các điều chỉnh thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 56% tổng kim ngạch năm 2024. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách các nước xuất khẩu gỗ vào Mỹ với 16% thị phần, sau Trung Quốc (23%) và Canada (19%).
Đáng chú ý, sản phẩm gỗ – nhóm hàng có giá trị gia tăng cao như đồ nội thất, ván ép, gỗ dán – chiếm khoảng 93% kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, cho thấy lợi thế rõ rệt về cơ cấu sản phẩm so với các quốc gia chỉ xuất khẩu gỗ nguyên liệu.
Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại vào giữa tháng 5/2025, thuế nhập khẩu trung bình với gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc giảm 26 điểm phần trăm, xuống còn 15%. Mức giảm này đã phần nào hạ nhiệt giá bán lẻ đồ gỗ tại Mỹ, vốn phụ thuộc gần 35% vào nguồn nhập khẩu.

Tốc độ mở rộng thị phần của gỗ Việt tại Mỹ đang có dấu hiệu chững lại, dù toàn ngành vẫn giữ được lợi thế tương đối sau các điều chỉnh thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến xu hướng dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc chậm lại. Trong khi đó, các quốc gia như Mexico và Canada – vốn thuộc Hiệp định thương mại tự do USMCA – có thể được miễn thuế hoàn toàn nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều này khiến Việt Nam gặp thêm áp lực cạnh tranh dù vẫn được hưởng lợi với mức thuế thấp hơn Trung Quốc khoảng 20 điểm phần trăm.
FPTS cho rằng, nếu chính sách thuế hiện hành được duy trì đến cuối năm, thị phần của Việt Nam trong xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Mỹ có thể tăng thêm khoảng 3 điểm phần trăm, nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo tăng 5 điểm trong báo cáo tháng 4 trước đó.
Cũng theo FPTS, một số doanh nghiệp chế biến gỗ niêm yết đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Chẳng hạn, CTCP Phú Tài (PTB) có tới 75% doanh thu từ mảng gỗ và 60% từ mảng đá nhân tạo đến từ thị trường này. Các khách hàng lớn bao gồm Melisa & Doug, Masterbrand Cabinets, American Furniture Warehouse...
CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV( cũng có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới 80%, phục vụ các đối tác như Zinus, Mellow và Inhabitr. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) có mức phụ thuộc thấp hơn với tỷ trọng dưới 2%.
Trong bối cảnh khách hàng Mỹ vẫn phải chia sẻ một phần chi phí thuế, FPTS cho rằng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp như PTB và SAV có thể bị thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng cải thiện hiệu quả kinh doanh trong các quý tới.
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ được dự báo tiếp tục duy trì trong năm 2025, các chuyên gia cho rằng, ngành chế biến gỗ Việt Nam không thể chỉ trông cậy vào lợi thế thuế quan, mà cần chú trọng hơn đến đa dạng hóa thị trường, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất.
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đây sẽ là hướng đi bền vững giúp doanh nghiệp Việt duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu, bất chấp những biến động từ các hiệp định hay chính sách thuế của các nước lớn.