Ngành Giao thông vận tải vững bước tiến vào Xuân mới

Với khối lượng công việc được giao đặc biệt lớn, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm vượt qua thách thức, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, vững bước tiến vào Xuân mới năm 2025 tràn đầy khí thế...

Nút giao Phú Mỹ, Km26, Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Ảnh: Minh Vân

Nút giao Phú Mỹ, Km26, Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Ảnh: Minh Vân

Tiếp tục triển khai dự án giao thông quan trọng quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh, năm 2024, Bộ GTVT đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số ki lô mét đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021km. Đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000km vào năm 2025; tiến độ dự án Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm; đặc biệt Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.

Bộ GTVT đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đang tích cực triển khai Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025.

Đến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch. Trong bối cảnh thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2024 còn rất ngắn, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2024.

Sang năm 2025, Bộ GTVT sẽ khởi công hàng loạt các dự án như: Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1,…

Bộ GTVT cũng sẽ tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; triển khai quy hoạch chi tiết tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; nghiên cứu các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm; khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025.

Đồng thời, sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành trong năm 2025, trong đó có dự án đường cất hạ cánh thứ 2; khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2025.

Đặc biệt, năm 2025, Bộ GTVT được giao với số vốn lớn lên đến 87.000 tỷ đồng. Bộ GTVT sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025 với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc bộ.

Để tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra trong năm 2025, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành GTVT; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Ưu tiên giao thông kết nối liên vùng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giai đoạn trước đó đến năm 2021, nước ta mới đầu tư 1.200km cao tốc. Tuy nhiên, từ năm 2021 - 2024, cả nước hoàn thành 808 km cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc lên 2.024 km và đến 2025 sẽ hoàn thành 3.000 km cao tốc. Đây là con số ấn tượng về sự phát triển mạnh mẽ của ngành GTVT.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT cần tính toán, nhìn nhận ưu tiên hơn giao thông vùng miền như giao thông đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải trong hệ sinh thái kết hợp với nhau như Sân bay Quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào khai thác thì phải phát huy được khi các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đồng bộ.

Năm 2025 ngành GTVT xác định được các dự án đầu tư trọng điểm, đặt vấn đề cải cách thể chế trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Bộ sớm đặt các dự án như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vượt qua sự cố sạt lở hầm, bão lũ, đạt lợi nhuận cao

Hết năm 2024, sản lượng toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đạt hơn 9.800 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ; doanh thu đạt trên 9.600 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 110 tỷ đồng tăng 43,2% so với cùng kỳ. Cụ thể, VNR vận chuyển trên 7,1 triệu lượt hành khách, tăng 15,5% so cùng kỳ; trên 5,1 triệu tấn hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ. Dịp Tết Nguyên đán 2025, VNR đã tổ chức mở bán vé tàu Tết sớm hơn mọi năm từ ngày 1/10/2024 và không bán ghế phụ hoặc ghế chuyển đổi trên các chuyến tàu trong đợt vận tải Tết năm nay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách đi tàu... VNR sử dụng 54 đoàn xe, tổ chức chạy thường xuyên 7 đôi tàu khách chạy suốt giữa Hà Nội-Sài Gòn (tàu khách Thống Nhất) và 9 đôi tàu khách khu đoạn trong dịp Tết năm 2025, tăng cường 2 đôi tàu khách Thống Nhất và 3,5 đôi tàu khách khu đoạn giai đoạn trước và sau kỳ nghỉ Tết năm 2025. VNR tích cực tham gia cùng Bộ GTVT hoàn thiện Đề án chủ trương đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, chuẩn bị các nội dung để tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì tuyến đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt xây dựng mới theo quy hoạch, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu các cơ chế chính sách để báo cáo cấp thẩm quyền, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt và Đề án cơ cấu VNR phù hợp với tình hình mới. Năm 2025, VNR phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT xây dựng báo cáo khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, báo cáo tiền khả thi Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các nội dung liên quan trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-giao-thong-van-tai-vung-buoc-tien-vao-xuan-moi-168872.html
Zalo