Ngành Giao thông Vận tải cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần 'Tinh - gọn - mạnh'

Sau sáp nhập, ngành Giao thông Vận tải cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần 'Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả'.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Giao thông Vận tải, diễn ra chiều nay (30-12).

Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải tại hội nghị. Ảnh: Tạ Hải

Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải tại hội nghị. Ảnh: Tạ Hải

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết, hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “500 ngày, đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, Bộ đã chỉ đạo quyết liệt, xác định đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn với trách nhiệm người đứng đầu mỗi đơn vị.

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Tạ Hải

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Tạ Hải

Năm 2024, Bộ đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng chiều dài đường cao tốc lên 2.021km; rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai, hoàn thành mục tiêu 3.000km vào năm 2025...

Bộ Giao thông Vận tải đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đang tích cực triển khai Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025.

Tính đến hết tháng 12-2024, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, sang năm 2025, Bộ sẽ khởi công hàng loạt dự án như: Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1…

Cùng với đó, Bộ tập trung lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; nghiên cứu các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia: Thành phố Hồ Chí Minh -Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm; khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025…

Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuyển đổi số toàn diện việc thực hiện các thủ tục hành chính, chuyển mạnh sang cấp phép tự động dựa trên ứng dụng công nghệ, dữ liệu số; hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu cho quản lý, điều hành và phục vụ doanh nghiệp, người dân…

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sau sáp nhập, ngành Giao thông Vận tải cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh", từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy đột phá, đổi mới, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", tích hợp với quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Tạ Hải

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Tạ Hải

Bộ cần chủ động đón nhận cơ hội phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cần tiếp tục được đẩy mạnh, từ quy hoạch, tổ chức thi công đến vận hành khai thác.

Năm 2025, ngành Giao thông Vận tải phải sớm cải cách thể chế trên các lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và sớm khởi công các dự án như: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nganh-giao-thong-van-tai-can-lam-tot-hon-theo-dung-tinh-than-tinh-gon-manh-689062.html
Zalo