Ngành Giáo dục và Đào tạo góp phần xây dựng nông thôn mới

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT, đồng thời tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT, đồng thời tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trường mầm non Phú Vinh, xã Phú Vinh (Tân Lạc) được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, xây dựng môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp.

Trường mầm non Phú Vinh, xã Phú Vinh (Tân Lạc) được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, xây dựng môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp.

Giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong CTMTQG xây dựng NTM. Sở GD&ĐT đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng NTM lĩnh vực GD&ĐT năm 2024. Đến nay, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, đạt 62%; 224/369 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, đạt 60,7%, trong đó có 112/176 trường mầm non đạt chuẩn (đạt 63,6%), 11/11 trường tiểu học (đạt 100%), 10/12 trường THCS (đạt 83,3%), 91/170 trường TH&THCS (đạt 53,5%).

Đối với tiêu chí số 14 về GD&ĐT, toàn ngành tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng kế hoạch kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn cơ sở vật chất; tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng NTM của đơn vị; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo quy định trường chuẩn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội và phụ huynh, gia đình học sinh, xây dựng môi trường lành mạnh để quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động, lồng ghép mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; tập trung nâng cao chất lượng dạy và học để nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia…

Thống kê toàn tỉnh hiện có 128/129 xã đạt tiêu chí số 14, đạt 99,2%. Có 128/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 129/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên (100%); 129/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên (100%); 128/129 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (99,2%), còn 1 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (xã Hang Kia, huyện Mai Châu). Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Có 146 Trung tâm học tập cộng đồng được đánh giá, xếp loại khá, tốt. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp THPT, bổ túc và trung cấp 90,37%.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, trong 6 tháng cuối năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có 87 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, đạt 67,4%; trên 65% trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 128 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục, đạt 99,2%.

Phấn đấu các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều đạt tiêu chí về GD&ĐT; huyện Cao Phong, huyện Yên Thủy đạt chuẩn NTM tiêu chí giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu xây dựng NTM thông qua các hội nghị, hội thảo, website ngành GD&ĐT.

Đầu tư cơ sở vật chất có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia và kế hoạch xây dựng NTM của đơn vị, tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường phổ thông thuộc các xã phấn đấu về đích năm 2024. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo quy định trường chuẩn. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh để quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Duy trì bền vững và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ…

Đồng thời, vận động, tuyên truyền, hạn chế học sinh bỏ học, đặc biệt là đối tượng trong độ tuổi phổ cập giáo dục THCS. Nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT và học trung cấp. Phát triển các lớp vừa học văn hóa vừa học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, tăng số lượng học viên học trung cấp nghề, đảm bảo cơ cấu lao động xã hội. Thực hiện việc huy động và phân luồng học sinh sau THCS, tăng tỷ lệ học sinh học nghề.

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/191060/nganh-giao-duc-va-dao-tao-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi.htm
Zalo